Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngày 22/3/2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký kết thỏa thuận với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm khảo sát, đánh giá sự hài lòng của khách hàng, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp điện.
Cùng với đánh giá của Ngân hàng thế giới, kết quả điều tra hơn 10.000 doanh nghiệp của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 công bố mới đây cho thấy, hơn 69% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ cung cấp điện của cơ quan điện lực, đứng thứ 2 trong nhóm các dịch vụ công, chỉ sau lĩnh vực viễn thông. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, điều tra doanh nghiệp của VCCI trong thời gian qua cho thấy ngành điện đã liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng, nhiều thủ tục liên quan tới tiếp cận điện đã được rút ngắn. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI và EVN về khảo sát và công bố cảm nhận của khách hàng và sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với chất lượng cung ứng dịch vụ của ngành điện lực là một sáng kiến có tính chất tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
"Theo chức năng nhiệm vụ của mình, VCCI có chức năng tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học định kỳ để công bố chỉ số hài lòng của các DN đối với việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước và chất lượng thực hiện các dịch vụ công của các tổ chức cung ứng các dịch vụ công ở VN và PCI là một ví dụ điển hình. Trong thời gian qua, để thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Tài chính đã là cơ quan Chính phủ đầu tiên tiên phong trong việc phối hợp với VCCI, thông qua VCCI để thực hiện việc khảo sát về sự hài lòng của các doanh nghiệp đối với công tác thuế và hải quan. Có thể nói, đó là một trong những nguyên nhân giúp cho chỉ số cải cách của ngành thuế và hải quan đang là chỉ số dẫn đầu trong các cơ quan Chính phủ của Việt Nam. Tập đoàn Điện lực Việt Nam là tập đoàn Nhà nước đầu tiên ký và thực hiện với VCCI một thỏa thuận tương tự nhằm thông qua VCCI để lắng nghe phản ánh của cộng đồng DN về sự hài lòng của mình"- ông Vũ Tiến Lộc cho biết.
Theo ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện nay EVN đang bán điện trực tiếp tới trên 24.852.000 khách hàng sử dụng điện trên cả nước. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đưa điện về nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 về cơ bản tất cả các hộ dân đều được sử dụng điện lưới quốc gia… Để đảm bảo tính công khai, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh, nhiều năm qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực xây dựng hình ảnh người thợ điện thân thiện với khách hàng, đáp ứng các nhu cầu của khách hàng theo phương châm “đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục với chất lượng tốt nhất tới người tiêu dùng và thân thiện, cởi mở với khách hàng”.
Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết cụ thể: Sau 5 năm kể từ khi triển khai “Năm kinh doanh và dịch vụ khách hàng - 2013” với 4 nhóm chỉ tiêu bao gồm 14 chỉ tiêu cụ thể được đặt ra để thực hiện, đến nay, việc đánh giá chất lượng dịch vụ điện và sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện đã và đang được đánh giá theo phương pháp được các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Qua kết quả thực hiện đánh giá của Tư vấn độc lập cho thấy, mức độ hài lòng của khách hàng bình quân toàn EVN đã tăng dần theo thời gian. Có những nhóm định lượng được mức độ hài lòng của khách hàng như nhóm chỉ số về nâng cao chỉ số cung cấp điện SAIDI, SAIFI và MAIFI và thời gian giải quyết cấp điện cho khách hàng. Việc EVN triển khai 5 trung tâm chăm sóc khách hàng ở 5 Tổng công ty điện lực, đến nay đã có hàng triệu thông tin từ phía khách hàng về trung tâm này. Tập đoàn cũng đã triển khai lực lượng tư vấn độc lập từ năm 2015 và trong năm 2016, chỉ số PCI cao hơn năm 2015 cho thấy những nỗ lực cố gắng của EVN. Hợp tác với VCCI, chúng tôi mong muốn có một kênh khách quan, minh bạch để đánh giá những dịch vụ của các công ty điện lực thực hiện theo như chỉ đạo của tập đoàn. Đồng thời cũng lấy những chỉ số đó qua các đánh giá của các cơ quan độc lập, các tổ chức hiệp hội như VCCI chúng tôi sẽ xem xét cụ thể các vấn đề mà DN, khách hàng sử dụng điện nêu ra, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm làm cho khách hàng dễ biết, dễ tham gia được các dịch vụ. Đặc biệt là họ sẽ giám sát được những dịch vụ đó có đúng theo tinh thần chỉ đạo của tập đoàn hay không. Trên cơ sở những đánh giá như vậy, chúng tôi sẽ có những chương trình hành động cụ thể cho từng năm một, đối với từng đơn vị một, từng Công ty điện lực một. Giám đốc các Công ty điện lực phải có một chương trình cụ thể để thực hiện cho được những tồn tại mà khách hàng họ nêu ra.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI) cho rằng, với việc thông qua nghiên cứu, khảo sát từ VCCI, EVN có thêm một kênh để tiếp nhận thông tin, lắng nghe cảm nhận từ phía khashc hàng là các DN đang sử dụng điện. Việc thu thập ý kiến của doanh nghiệp sử dụng điện thông qua cuộc khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh mà VCCI đã có 12 năm kinh nghiệm triển khai rộng khắp ở cá 63 tỉnh, phành phố, sẽ cung cấp bức tranh chân thực nhất về việc tiếp cận điện năng của doanh nghiệp hiện nay. Đây sẽ là những thông tin hữu ích để ngành điện cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như cung cấp các căn cứ tin cậy để EVN triển khai các hoạt động cung ứng điện phù hợp nhất nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
“Với cách tiếp cận như vậy, tôi hy vọng, nếu như ngành tài chính là đơn vị dẫn đầu trong cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu của NQ19 của Chính phủ thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng sẽ là đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong các đơn vị cung cấp dịch vụ công ở nước ta” – ông Vũ Tiến Lộc nói.