Khoa học công nghệ

Cơ chế, chính sách, giải pháp, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050

Thứ bảy, 29/7/2023 | 15:35 GMT+7
Đó là chủ đề Hội thảo do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức ngày 28/7, tại Hà Nội.

Tham dự hội thảo có ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, ông Cao Quang Quỳnh – Thành viên HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ông Bùi Minh Tiến – Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương, một số ngân hàng trong nước, nước ngoài, các chuyên gia năng lượng,…

Quang cảnh hội thảo

Theo ông Cao Quang Quỳnh – Thành viên HĐTV EVN, nhu cầu về năng lượng trong những năm tới được dự báo vẫn tăng trưởng cao. Tuy nhiên, tỷ trọng nguồn điện của EVN trong tổng thể nguồn điện quốc gia ngày càng giảm, trong khi đó EVN vẫn được giao chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Vì vậy, Tập đoàn rất mong sự vào cuộc cũng như đầu tư của các nhà đầu tư, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan để đảm bảo thúc đẩy việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện trong thời gian tới.

Các nhà đầu tư cũng như EVN rất mong chờ các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh các nguồn năng lượng.

Tại hội thảo, đại diện EVN đã trình bày nội dung tham luận Cơ chế chính sách đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, và có đưa ra một số kiến nghị, giải pháp như: Thực hiện chuyển đổi năng lượng cần triển khai trên phạm vi toàn diện đối với hệ thống điện Việt Nam, trong đó đặt ra những ưu tiên theo thứ tự: (i) đảm bảo an ninh cung cấp điện; (ii) đảm bảo giá điện phù hợp; (iii) phát triển năng lượng bền vững.

Về cơ chế chính sách: Kiên trì thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiến kiệm, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành các các quy định, hướng dẫn, khung pháp lý về thủ tục đầu tư, cấp phép, thu xếp vốn, ưu đãi… cho việc đầu tư chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các NMNĐ đốt than; Sớm triển khai nghiên cứu, quy hoạch và có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các vùng nhiên liệu sinh khối, chuỗi cung ứng nhiên liệu Amoniac/ sinh khối… đáp ứng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các NMNĐ đốt than trên toàn quốc theo kế hoạch chuyển đổi được nêu trong Quy hoạch Điện VIII; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường dịch vụ phụ trợ, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện trong bối cảnh tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn điện; Xây dựng, hình thành và hướng dẫn cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ các-bon, phát triển thị trường giao dịch tín chỉ các-bon…

Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình bày vai trò của PVN đối với chiến lược phát triển an ninh năng lượng bền vững của đất nước, định hướng chiến lược phát triển năng lượng của PVN đến năm 2023 tầm nhìn đến năm 2045... và đưa ra một số kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành.

Bên cạnh đó là các tham luận của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Công ty Halcom Việt Nam… Các chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã trình bày những vấn đề: Phát triển nguồn điện trong điều chỉnh quy hoạch điện VII – bài học cho Quy hoạch điện VIII; chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam dưới góc nhìn Quy hoạch; nhu cầu than của Việt Nam và giải pháp đáp ứng…

Bên cạnh các tham luận, nhiều ý kiến khác của các đại biểu đã được nêu ra tại Hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổng kết, đúc rút, kiến nghị lên các cơ quan Trung ương, bộ ngành về các chính sách thúc đẩy năng lượng, phục vụ sự phát triển KT-XH của đất nước.

Theo https://www.evn.com.vn/