Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Ấn Độ Bhilai (IIT) đã tạo ra bước đột phá trong việc phát triển một “lớp phủ tự phục hồi” cho pin mặt trời, giúp tự chữa lành các vết nứt chỉ trong vòng 5 phút, mang đến một giải pháp đầy hứa hẹn để ngăn ngừa hư hỏng do điều kiện môi trường nóng ẩm gây ra.
(Ảnh minh họa)
|
Pin mặt trời đóng vai trò rất quan trọng trong việc khai thác năng lượng mặt trời và biến nó thành điện năng mà không cần dùng nhiên liệu hóa thạch gây phát thải độc hại, góp phần đáng kể vào việc chống biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của chúng ta.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc lâu với các điều kiện môi trường khắc nghiệt có thể gây hư hại cho pin mặt trời, dẫn đến hỏng hệ thống. Sự ra đời của loại vật liệu phủ tự phục hồi có thể giúp ngăn chặn sự lan rộng của vết nứt và khôi phục các đặc tính ban đầu của vật liệu.
Phát hiện này của nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Sanjib Banerjee từ Khoa Hóa học đứng đầu đã được công bố trên Tạp chí Polymer Journal nổi tiếng của Châu Âu.
Với việc tạo ra lớp phủ tự phục hồi cho pin mặt trời, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đóng góp vào sự phát triển của công nghệ năng lượng tái tạo, giúp tạo ra các hệ thống năng lượng mặt trời bền và hiệu quả hơn.
Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là đánh giá tiềm năng của công thức lớp phủ này cho các ứng dụng ngành hàng không vũ trụ, giúp bảo vệ các bộ phận quan trọng khỏi bị hư hại, giảm chi phí bảo trì và tăng tuổi thọ của các thiết bị.
Theo mercomindia.com