Chuyển đổi số

Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại: Yêu cầu bắt buộc

Chủ nhật, 24/7/2022 | 15:30 GMT+7

Ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại (XTTM) không còn là lựa chọn, mà trở thành hướng đi bắt buộc với mọi tổ chức, DN để thích ứng và tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì, mở rộng thị trường.

Khai thác giá trị xuyên thời gian và không biên giới

Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) đã mang lại thành tựu ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong bối cảnh ấy, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội. Các nước đang phát triển không nhất thiết sẽ đi sau trong quá trình tiếp cận và ứng dụng CMCN 4.0. Do tốc độ và phạm vi phát triển nhanh chưa từng có tiền lệ, CMCN 4.0 có thể tương tác với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như xây dựng chính sách trong nước.

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định một trong những quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 là phát triển nhanh và bền vững chủ yếu dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chủ động nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0 để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số và coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, DN và nền kinh tế. 

Ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại sản phẩm là yêu cầu bắt buộc của thời đại

Ứng dụng chuyển đổi số trong thương mại sản phẩm là yêu cầu bắt buộc của thời đại

Cục trưởng Cục XTMT (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú chia sẻ, bước sang năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu đang từng bước tăng tốc, kinh tế và thương mại của Việt Nam đã có những bước khởi sắc đáng kể. Nhờ việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022-2023 và kể từ khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội mới cho DN xuất khẩu Việt Nam.

 Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, các DN cần phải thức thời chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm để tận dụng những thời cơ mới. Bởi, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi tổ chức, DN để thích ứng, tận dụng những cơ hội mới nhằm duy trì, mở rộng thị trường. Số lượng các công nghệ, nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, quản lý sản xuất, quản lý bán hàng đang gia tăng, ngày càng nhiều DN trong nước và quốc tế đã triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua, nhằm khai thác các giá trị xuyên thời gian, không biên giới.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú

Là một trong những DN gặt hái được nhiều thành công xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử, Giám đốc Điều hành DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, DSW đã tìm kiếm được cơ hội cho mình, tìm kiếm được thị trường tiềm năng dựa vào sáng kiến “kinh doanh xuyên biên giới” của Alibaba.

Ưu điểm của thương mại hóa sản phẩm trên sàn thương mại điện tử là việc tìm kiếm khách hàng không hạn chế một thị trường hay một quốc gia nào nên chỉ sau một năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260.000 USD ngay trong mùa dịch.

Nhấn mạnh thêm vai trò của chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Phó Chủ Tịch - Tổng Thư kí Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh nêu quan điểm, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM thời điểm hiện tại là lựa chọn tối ưu cho mỗi DN nhằm thích nghi với bối cảnh thương mại mới.

Thời gian qua, chuyển đổi số trong XTTM xuất khẩu diễn ra hiệu quả và các DN đã quan tâm đầu tư cho phương tiện, mô hình chuyển đổi số, các cơ quan quản lý nhà nước đã tạo môi trường pháp lý thông thoáng. Đặc biệt, Cục XTTM đã chú trọng đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho DN và cải cách thủ tục hành chính, thuế nhập khẩu… tạo tiền đề cho công tác XTTM xuất khẩu trên môi trường số ngày càng hiệu quả.

 “Các DN nên chuyển đổi số hoạt động xuất khẩu gắn với từng thị trường cụ thể và thị trường truyền thống... Tham gia tích cực các sàn thương mại điện tử như Alibaba.com, đầu tư nguồn nhân lực chất lượng về công nghệ thông tin, nhân sự sale, marketing, giỏi ngoại ngữ để đáp ứng công việc thương mại điện tử xuyên biên giới” – ông Mạc Quốc Anh khuyến nghị.

DN được tư vấn dài hơi

Đưa ra cái nhìn tổng quan về thực trạng các kênh phát triển thị trường thương mại sản phẩm ở Việt Nam, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú cho biết, hiện nay còn rất nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống của Việt Nam vẫn được xúc tiến tiêu thụ ở dạng thô với giá còn thấp hơn các nước khác.

Nguyên nhân của tình trạng này là do thiếu thông tin thị trường, các hình thức xúc tiến thương mại còn hạn chế. Do đó, việc hỗ trợ DN tìm kiếm và đa dạng các kênh phát triển thị trường trong bối cảnh kinh tế hiện nay đang là ưu tiên hàng đầu đặt ra với các DN.

Dưới góc độ DN, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh Chu Trường Ân chia sẻ: Việc hiểu rõ hơn phương thức XTTM ứng dụng các công cụ số, tiếp cận sàn TMĐT quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là thông tin về các hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến chuyển đổi số cho DN thật sự rất đáng quý. Tuy nhiên, DN cũng mong chờ về tính hiệu quả trên thực tế, những tư vấn, hướng dẫn dài hơi cho DN để quá trình tham gia và ứng dụng được thành công.

Theo tinh thần của Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM, Cục XTTM đã và đang phối hợp với các đối tác liên quan xây dựng, vận hành hệ sinh thái XTTM số gồm: nền tảng kết nối giao thương thông minh trên môi trường số áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin, cơ hội kinh doanh trong nước và quốc tế; nền tảng hội chợ, triển lãm số; nền tảng đào tạo trực tuyến,…

Một số nền tảng đã phát triển gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành XTTM; Hội chợ triển lãm số, hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning); Hệ thống truy xuất nguồn gốc XTTM (iTrace247); Nền tảng bản đồ XTTM sản phẩm nông sản có tiềm năng xuất khẩu.

Trong vai trò của một đơn vị tư vấn và triển khai các giải pháp công nghệ, Giám đốc điều hành Công ty OnlineCRM Bùi Cao Học cho biết, đơn vị này đã phối hợp và đồng hành cùng với Cục XTTM để hỗ trợ cho các DN SMEs chuyển đổi số.

Trong đó có các nhiệm vụ như, làm rõ sự cần thiết và vai trò của chuyển đổi số đối với các DN; tư vấn cho các chủ DN về những giải pháp công nghệ mà DN cần dựa trên thực trạng và nguồn lực từng DN; cung cấp đội ngũ nhân sự để tư vấn, triển khai các giải pháp số cho DN...

“Để đạt được mục tiêu hỗ trợ 10.000 DN chuyển đổi số và chuyển đổi số hiệu quả từ 2022-2025, chúng tôi rất cần sự chung tay của tất cả, từ cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành nghề cho tới DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cùng phối hợp và hỗ trợ chúng tôi cũng như Cục XTTM để thực hiện nhiệm vụ lớn lao này” – ông Bùi Cao Học kiến nghị.

St: từ nguồn https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-trong-xuc-tien-thuong-mai-yeu-cau-bat-buoc.html