Sẽ còn tiếp tục được biết sức mạnh và cả sự lo lắng về AI. Nó mạnh tới mức có thể làm nhiều công việc thay con người. Nó thay được rất nhiều động tác lao động của nhiều nghề. Nó cũng làm xuất hiện nhiều lo lắng ở góc độ đạo đức, như vũ khí AI có phân biệt được dân thường với chiến binh.
Tháng 5 vừa qua, hãng CNN đưa tin: Geoffrey Hinton - “bố già” của AI xin rời Google để lên tiếng về mối nguy hiểm của công nghệ mà chính ông góp phần quan trọng phát triển.
Nhiều nhà sáng tạo lo rằng AI có thể đem đến những rủi ro sâu sắc cho xã hội, như nó giúp chăm sóc sức khỏe nhưng cũng có thể tự động giết bệnh nhân, tin tức do nó tạo ra con người không biết đâu là sự thật. Riêng điểm này nó đã thua nhà báo chân chính làm nghề “đi tìm sự thật”. Nghề báo có kỷ luật của sự kiểm chứng, tôn trọng sự thật.
Nhưng với nghề báo, AI có thể trở thành một thư ký thông thái. Sức mạnh của AI là nó có trí nhớ Big Data (dữ liệu có khối lượng lớn và phức tạp). Khi ta hỏi một câu khó thì “con ChatGPT” có thể trả lời trong ít phút, dài như một bản luận văn. Bộ não người không thể nhớ như vậy.
AI có thể viết tin khá nhanh, tổng hợp số liệu giỏi hơn người. Nhiều hãng tin lớn trên thế giới như The New York Times, Reuters, BBC… hay các hãng tin ở Nhật Bản, Hàn Quốc dùng AI để xử lý cấu trúc tin bài. Nó làm giỏi các mô hình về tài chính, thể thao. AI chuyển từ giọng nói thành văn bản, rất tiết kiệm thời gian nghe ghi âm. Các tập đoàn công nghệ đã chào mời giọng đọc AI: chỉn chu, nhưng nếu nhập liệu không tốt, viết tắt là nó đọc ra những từ, những câu ngây ngô, vô nghĩa.
Tác nghiệp của nhà báo không chỉ phản ánh hiện tượng và con số, mà giờ đây báo chí “bán quan điểm”, “góc nhìn”. Giáo sư người Mỹ Michell Stephens về báo chí lý giải về một nền “báo chí trí tuệ” (Wisdom Journalism), tức mang lại nhiều hơn những gì đang xảy ra được kể lại. Thu thập và diễn giải tin tức là hai hoạt động khác nhau, đòi hỏi nhân cảm và trí tuệ, đạo đức, lương tâm, quan điểm của con người mà AI chưa có được. Nhà báo còn cung cấp diễn đàn cho sự phê bình và bàn luận của công chúng, xây dựng văn hóa tranh luận.
Ngoài đưa tin tức, “ngày nay báo chí còn là cuộc thi xem ai sẽ giúp chúng ta hiểu rõ nhất ý nghĩa của những việc đang diễn ra”, theo GS. Michell Stephens.
AI có nhiều kỹ năng thần kỳ nhưng hiện nay, theo Nic Newman - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford của Mỹ, xu hướng báo chí trong thời đại số, tác nghiệp điều tra tại hiện trường vẫn là con người quyết định.
AI thua nhà báo ở chỗ nó thiếu cảm nhận để kể chuyện như trải nghiệm của con người. Hiện nay, trong công việc nhà báo, AI chưa thể điều tra, tường thuật hiện trường và chưa thể tự đi phỏng vấn - những công việc quan trọng của nhà báo.
Nếu liên hệ với tin tức thực tế, có vài thí dụ bi hài trên báo chí thế giới sẽ thấy rõ:
Cuối tháng 3 vừa rồi, sau cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2024 của cựu Tổng thống Mỹ ở thành phố Waco, Texas, Donald Trump đã trò chuyện với nhóm nhà báo trên chuyên cơ riêng. Phóng viên Vaughn Hillyard của hãng NBC nhận xét ông có vẻ “mệt mỏi” vì cuộc điều tra của công tố viên Alvin Bragg. Câu hỏi dường như đã đánh trúng tâm lý của Trump nên ông trả lời: “Tôi không mệt mỏi vì bất cứ điều gì... Đó là một cuộc điều tra giả mạo”. Rồi ông nói: “Tôi nghe nói anh là một chàng trai tốt, nhưng anh không phải vậy”. Gần nửa giờ trôi qua, Hillyard được cho là đã cố gắng hỏi Trump một câu hỏi khác về cuộc điều tra của Bragg nhưng ông bực bội chụp lấy hai chiếc điện thoại của anh ta trên bàn, ném chúng sang một bên và lệnh cho các trợ lý: “Nhanh đưa anh ta ra khỏi đây”.
Hoặc tình huống phóng viên công nghệ của hãng BBC phỏng vấn Elon Musk về ngôn ngữ thù địch trên mạng Twitter liền bị tỷ phú này hỏi ngược lại: “Anh đang nói về lời nói căm thù nào vậy? Anh có sử dụng Twitter phải không? Anh đưa ra một ví dụ xem. Just one - chỉ ví dụ thôi xem nào?”. Anh nhà báo không đưa ra được ví dụ theo yêu cầu. “Vậy là anh không biết mình đang nói về cái gì”, Elon Musk kết luận. “Hay là anh chỉ nghe lời đồn?”.
Không biết nếu là AI đi phỏng vấn, nó sẽ giải quyết thế nào trong hai tình huống trên.
Vũ khí để “chạy đua” với AI của nhà báo là phải giỏi công nghệ, biết sử dụng AI như một thư ký giúp tổng hợp, sàng lọc thông tin. Nhưng quyết định vẫn là trình độ, quan điểm, nhận thức và tư duy mang bản sắc tác giả.
Tiếp cận sâu, đa dạng với xã hội, với con người, lý tưởng, cái tâm, nhân cảm, đạo đức chính là sức mạnh của nhà báo.
Google đang thử nghiệm một công cụ AI để hỗ trợ viết tin bài cho báo mang tên Genesis. Tuy nhiên, đại diện Google vẫn cho rằng, công cụ này không nhằm thay thế phóng viên và cũng không thể thay thế họ được. Nó chỉ cung cấp các chọn lựa cho họ để tiết kiệm thời gian.
Tổng biên tập tờ Financial Times cách đây không lâu đã viết bức thư ngỏ, khẳng định báo của bà sẽ tiếp tục được viết và biên tập bởi con người, những người giỏi nhất trong lĩnh vực họ phụ trách và cho rằng, quan trọng nhất là niềm tin của độc giả vào chất lượng báo chí họ làm ra; chất lượng có nghĩa là tính chính xác, tính công bằng và tính minh bạch. Bà cũng cho rằng các mô hình AI, một khi được thao túng, có thể đẻ ra các hình ảnh và các bài báo giả tạo. Tuy nhiên, bà cũng hứa hẹn tòa soạn vẫn sẽ phải thích ứng với công nghệ mới, nên sẽ thử nghiệm các ứng dụng của AI để hỗ trợ phóng viên như khai thác dữ liệu, phân tích văn bản hay dịch thuật.