Chuyển đổi số

AI giúp doanh nghiệp bắt kịp xu thế, tối ưu chi phí vận hành

Thứ sáu, 15/9/2023 | 08:36 GMT+7
“Hội thảo thông điểm nghẽn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong vận hành nhà máy, doanh nghiệp” là một trong loạt hoạt động do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) tổ chức, nhằm giúp tăng tốc tiến trình chuyển đổi số và tham gia chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu với các ứng dụng công nghệ cao dành cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trên cả nước.

Sự kiện được VCCI-HCM phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Đồng Nai, Công ty Western Digital Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai tổ chức hôm 30/8/2023, dành cho các CEO, giám đốc công nghệ thông tin (IT) và đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Hội thảo đã thu hút đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn tham gia, với chia sẻ của các diễn giả có uy tín trong ngành công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI-HCM cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp trong thời đại Internet vạn vật (IoT). Kinh tế khó khăn, suy thoái toàn cầu đang ngày càng hiện hữu, tạo ra thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng và đẩy nhanh chuyển đổi số, tái cấu trúc doanh nghiệp, xây dựng lại quy trình quản trị, nhằm tối ưu hóa vận hành, để có những bước chuyển mình tốt hơn trong tương lai.

Việc đưa AI vào vận hành doanh nghiệp, nhà máy vừa giúp bắt kịp xu thế tất yếu của tương lai, vừa giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Tuy nhiên, phân tích dữ liệu AI và dữ liệu lớn chưa được các doanh nghiệp chú trọng và khai thác hết tiềm năng.

Đó cũng là điểm nghẽn cần phải được khai thông và cũng là lý do để VCCI-HCM cùng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai phối hợp tổ chức hội thảo này.

Ông Trần Ngọc Liêm kỳ vọng, thông qua hội thảo này, những “điểm nghẽn” khi tiếp cận với ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp và lộ trình hình thành “nhà máy thông minh - smart factory” sẽ được các chuyên gia mổ xẻ kèm theo các kinh nghiệm được tích hợp không chỉ từ thế giới mà còn thực tế tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Đặc biệt, mô hình chuyển đổi số và tiếp cận AI với 5 thành tố nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, gồm BI (Business Intelligence) - báo cáo thông minh; ERP (Enterprise Resource Planning) - hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp; MES (Manufacturing Execution System) - hệ thống điều hành sản xuất; IIOT (Industrial Internet of Things) - hệ thống mạng thiết bị (trong công nghiệp) và PLC, SCADA - điều khiển, thu thập dữ liệu từ nhà máy.

toa.jpg

Các chuyên gia trao đổi về vai trò chuyển đổi số đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Trí Phương - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai mong muốn thông qua sự đồng phối hợp của VCCI-HCM, hội thảo sẽ mang lại lợi ích tích cực, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và AI trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại những giá trị to lớn hơn và thiết thực cho doanh nghiệp.

Theo ông Phương, tính đến nay, tỉnh Đồng Nai có 33 KCN được thành lập với tổng diện tích đất 10.514ha, gồm 31 KCN đi vào hoạt động; 1 KCN trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư (KCN Công nghệ cao Long Thành); 1 KCN vừa được thành lập trong tháng 7/2023 (KCN Long Đức 3).

32/33 KCN Đồng Nai đã cho thuê được 6.007ha, đạt 85,41% diện tích đất cho thuê (7.033ha, chưa bao gồm KCN Long Đức 3 đang trong giai đoạn lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để xác định chỉ tiêu đất công nghiệp cho thuê.

Đến thời điểm hiện tại, 33 KCN Đồng Nai đã có 43 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.083 dự án; trong đó, 1.430 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 29,2 tỷ USD, vốn thực hiện 22,7 tỷ USD và 653 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 79 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động làm việc tại 32 KCN Đồng Nai là 582.247 lao động, trong đó có 7.073 lao động nước ngoài.

Tỉnh Đồng Nai có 39 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (đã giảm KCN Biên Hòa I), tổng diện tích quy hoạch là 18.508ha. Diện tích còn lại theo quy hoạch của Thủ tướng chưa được thành lập và mở rộng giai đoạn 2 là 8.380ha, cụ thể 7 KCN chưa thành lập mới, gồm Cẩm Mỹ, Phước Bình, Gia Kiệm, Bàu Cạn - Tân Hiệp, Xuân Quế - Sông Nhạn, Phước An, Phước Bình 2 và 5 KCN chưa thành lập giai đoạn 2: Định Quán, KCN Long Đức - giai đoạn 2, Amata, Tân Phú, Xuân Lộc.

Như vậy, công nghiệp luôn là động lực, là nền tảng để tỉnh Đồng Nai phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây cũng là thách thức của Ban quản lý KCN trong mục tiêu tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án công nghiệp xanh, sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường để bảo tồn môi trường sinh thái, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động để nền kinh tế tỉnh nhà phát triển nhiều hơn.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nhiều thay đổi và dự báo trong tương lai, công nghiệp 4.0 dự kiến sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, thì các doanh nghiệp cần sẵn sàng để chuẩn bị cho một sự đổi mình liên tục thể cập nhật các xu hướng hiện đại sắp tới. Trong những năm qua, việc đầu tư phát triển ứng dụng CNTT, ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn được các cấp chính quyền tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo. Khoảng từ 3-4 năm gần đây, các doanh nghiệp rất chú trọng đến chuyển đổi số, doanh nghiệp đã bắt đầu đưa máy móc tự động vào sản xuất để giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”, ông Phương cho biết và khẳng định đây là sự kiện đồng hành cùng với doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ phía VCCI -HCM và Ban Quản lý các KCN.

se.jpg

Doanh nghiệp đặt câu hỏi thảo luận

Theo ông Trương Bá Toàn - Giám đốc Điều hành Công ty Western Digital tại Việt Nam, từ góc độ doanh nghiệp nhìn nhận, hạ tầng dữ liệu và tính toán của Việt Nam đang ở mức sơ khởi. Các doanh nghiệp Việt Nam dù lo lắng quá nhiều hay chủ quan cho rằng chưa cần thì nay cần thay đổi để tiếp AI.

Do đó, những giải đáp, chia sẻ của diễn giả như TS. Nguyễn Quốc Huy - CIO SaigonTech - Trưởng bộ môn kỹ thuật phần mềm Đại học Sài Gòn, cùng các chuyên gia trong ngành tạo cơ hội tiếp cận về những thách thức và cơ hội mà AI mang lại cho doanh nghiệp và nhà máy. “Để phát triển AI, trước tiên Việt Nam phải có bước đi phù hợp trong đào tạo nguồn nhân lực cả bề rộng và chiều sâu. Khi biết cách tận dụng AI vào vận hành, con người sẽ nhận ra lợi ích ở nhiều mặt, như dự đoán và phòng ngừa, phát hiện khiếm khuyết, đo lường năng suất hiệu quả…”, ông Toàn nhận định.

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030, với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 của khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới.

AI là lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn để thay đổi cách con người làm việc và sống. Nó đã và đang thúc đẩy sự tiến bộ công nghệ, tạo ra những cơ hội mới và thách thức cho các doanh nghiệp.

Năm 2023, theo tính toán của Finbold, thị trường AI ước tính sẽ đạt 207,9 tỷ USD và dự đoán giá trị thị trường sẽ tăng gấp 7 lần để đạt 1,87 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Theo đó, thị trường này sẽ đạt hơn 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào năm 2028.

Theo https://doanhnhansaigon.vn/