Chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công

Thứ tư, 30/8/2023 | 17:02 GMT+7
Bối cảnh dịch bệnh đã cho thấy lợi ích của chuyển đổi số là không thể phủ nhận, doanh nghiệp cần làm ngay và cần có giải pháp tốt cho quy mô và loại hình hoạt động của mình.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng làm như thế nào lại là bài toán riêng của mỗi doanh nghiệp, không thể bắt chước giống nhau.

Bà Nhữ Thị Ngần, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư du lịch Hà Nội, cho biết, Công ty là một trong những doanh nghiệp du lịch ứng dụng số từ rất sớm. Hiện nay, tại công ty, các khâu quản lý dữ liệu khách hàng; chăm sóc và kết nối khách hàng; quản lý dữ liệu nhà cung cấp; báo cáo hiệu quả theo mục tiêu; kiểm tra lịch sử giao dịch để phân loại nguồn khách và đánh giá chất lượng nhân sự… đều được số hóa. Nhờ đó, khi dịch bệnh xảy ra, việc ứng dụng công nghệ đã giúp cắt giảm nhân sự thủ công mà không bị gián đoạn công việc.

Bà Nhữ Thị Ngần, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

 
 

Bà Nhữ Thị Ngần cũng cho rằng, hiệu quả của công nghệ tùy thuộc quy trình và cách thức ứng dụng của mỗi doanh nghiệp, nếu không biết thay đổi kịp thời thì thậm chí rối loạn. Công nghệ quá cồng kềnh có khi lại là gánh nặng về chi phí duy trì và không đủ nhân sự vận hành khi cắt giảm do dịch. Nếu tách rời nhỏ lẻ thì dễ sai sót và chậm trễ. Do đó, doanh nghiệp cần tùy biến linh hoạt để công nghệ luôn là lợi thế chứ không phải gánh nặng.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn VNPT, triển khai chuyển đổi số doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với một vài khó khăn. 

"Chuyển đổi số cần vượt qua được tư duy cũ mà chúng tôi gọi là tư duy an toàn vì tư duy này đem lý do bảo mật ra để cản trở chuyển đổi số và những cải tiến mang tính cách mạng cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số còn có những khó khăn rất lớn về ngân sách và những hành động làm thật khi rất nhiều doanh nghiệp cho biết chuyển đổi số khó nhất là “từ mồm tới tay”," ông Hòa cho biết.

Bên cạnh đó, ông Thái Hòa cũng cho rằng, thời điểm nhấn nút “go-live” chạy khởi đầu một doanh nghiệp chuyển đổi số là rất quan trọng. Nếu kéo dài thời gian nhấn nút chuyển qua hoạt động điện tử càng muộn thì lãnh đạo và công nhân viên càng mệt mỏi vì phải sống cả đời sống thủ công truyền thống và đời sống số (4.0). Lời khuyên của Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam là cần phải có một lộ trình hoạt động nhanh gọn, hiệu quả, cụ thể và một kế hoạch có tiến độ rất chặt chẽ về chuyển đổi số. Trở ngại lớn nhất là tư duy và thói quen cũ, vì vậy cần suy nghĩ tích cực và niềm tin vững vàng trên con đường chuyển đổi số.

“Hiện nay, tôi có thể khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia khá mạnh về chuyển đổi số với lý do chúng ta đang sở hữu số lượng lớn kỹ sư CNTT chất luợng cao và những lập trình viên xuất sắc. Dựa trên nền tảng này, chúng ta hoàn toàn có sẵn sự sáng tạo và đưa ra một lộ trình chuyển đổi số hiệu quả”, ông Hòa nhấn mạnh.

 
 

Nguyễn Hữu Thái Hòa, Chủ tịch Công ty iBOSSES Việt Nam. Ảnh: iBOSSES Việt Nam

Cũng theo ông Thái Hòa, hướng tới chuyển đổi số, chúng ta đừng nên vội vàng nhảy vào những sản phẩm chuyển đổi số "nghe rất oách và hợp trend” như AI, Big Data, IOT vì thực chất việc triển khai còn rất xa vời với hệ thống tác nghiệp của chúng ta. Doanh nghiệp cần sắp xếp lại cơ sở dữ liệu (biến thông tin thành dữ liệu), xây dựng lại sơ đồ chuỗi giá trị của toàn bộ hệ thống thông tin, khảo sát lại cấu trúc và hạ tầng công nghệ của mình, khảo sát tất cả trải nghiệm khách hàng, cũng như liên thông mọi tác nghiệp về chuyển đổi số, rồi mới đưa những bộ công cụ phân tích, ứng dụng phần mềm và những giá trị thông minh vào hệ thống. Như vậy, nếu doanh nghiệp cứ vội vàng mua AI, Big Data và những nền tảng thông minh thì hết sức lãng phí.

Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chi phí để thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp thực sự là một vấn đề mang tính thách thức, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không có chi phí để hoạt động chuyển đổi số. Phòng, ban CNTT là một đơn vị rất bé và được coi là xài chi phí của doanh nghiệp. Khi coi CNTT và chuyển đổi số là chi phí thì tức là luôn muốn giảm chi phí và cắt giảm hoạt động của họ. Do đó, iBOSSES Việt Nam đưa ra chiến lược chuyển đổi số cho các DN là thay đổi tư duy chuyển đơn vị phụ trách chuyển đổi số từ sử dụng chi phí (Cost-Center) thành đơn vị kinh doanh (Profit Center). Việc chuyển thành đơn vị kinh doanh thay vì được giao ngân sách để thực hiện kinh doanh có doanh thu sẽ cho đơn vị ấy tự tin thực hiện nhiệm vụ. Như vậy với nguồn tiền đầu tư chuyển đổi số và một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, bộ máy CNTT sẽ phát triển chuyển đổi số đúng lộ trình mục tiêu..

Còn CEO của Công ty OOPs Software Phạm Ngọc Thức cho rằng, ở giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp nên xích lại gần nhau, có những chính sách hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng chéo sản phẩm của nhau.

Theo: baochinhphu.vn