Tác động của mưa lũ và hiệu quả vận hành của hồ thủy điện Tuyên Quang
Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình tương đối phức tạp, chia cắt mạnh bởi núi cao và sông suối. Hàng năm trên địa bàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão hoặc rãnh thấp kết hợp với hoàn lưu bão gây mưa, mưa vừa, đến mưa rất to dẫn đến lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá và gây ngập lụt. Từ năm 2007 trở về trước, tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang) thường xuyên chịu thiệt hại về, tài sản và tính mạng của người dân.
Theo thống kê từ năm 2001 đến 2005, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 7 trận lũ quét, 15 trận mưa đá và gió lốc, 11 trận ngập lụt trên sông Lô, làm 59 người chết, 25 người bị thương, thiệt hại khoảng 16,5 tỷ đồng, 445 công trình cầu cống, 1.067 công trình thủy lợi bị hư hỏng, phá hủy; gần 4 vạn con gia súc, gia cầm bị chết… Năm 2006, lũ lớn làm 05 người chết và 3 người bị thương; 186.640m3 đất đá sạt lở; ngập 14 km đường quốc lộ và 48km đường liên thôn, 13 trạm bơm; làm hỏng 3 cầu tràn, phá hủy 580m kênh xây và hư hỏng 1333m kênh đất, 20 công trình thủy lợi khác. Đặc biệt tại thị xã Tuyên Quang hàng năm vào mùa lũ đều xảy ra hiện tượng ngập úng gây chia cắt nhiều khu dân cư, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân thị xã.
Từ khi công trình thủy điện Tuyên Quang đi vào vận hành đến nay, đã cắt giảm được gần như hoàn toàn hiện tượng ngập lụ ở hạ du, đặc biệt là thành phố Tuyên Quang. Trong trận lũ lớn tháng VIII/2008, hồ thủy điện Tuyên Quang đã cắt được gần 3m nước lũ cho hạ du tại Tuyên Quang, đảm bảo an toàn cho thị xã Tuyên Quang. Trận lũ lịch sử tháng 7/2009, với lưu lượng đỉnh lũ lên tới 7600 m3/s, hồ thủy điện Tuyên Quang vận hành điều tiết đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ lưu công trình và thị xã Tuyên Quang. Hồ thủy điện Tuyên Quang vận hành đã góp phần điều hòa dòng chảy trong năm, giảm lưu lượng dòng chảy mùa lũ và tăng lưu lượng dòng chảy mùa kiệt từ đó góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế và xã hội ở địa phương.
Quy định về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang
Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến mưa lũ trong năm bị thay đổi. Với hồ thủy điện Tuyên Quang, biến đổi khí hậu đã tác động đến dòng chảy đến hồ trong năm cụ thể có nhiều năm mưa lũ lớn khiến hồ phải xả nước liên tục, một số năm lại thiếu nước khiến hồ không thể tích đầy vào cuối mùa lũ. Tác động tiêu cực nhất là sự xuất hiện lũ muộn vào tháng 10, tháng 11 hàng năm. Do thời kỳ này hồ thủy điện Tuyên Quang đã tích đầy nước theo quy định tại quy trình vận hành. Nên khi lũ xuất hiện, theo quy định để đảm bảo an toàn công trình phải xả liên tiếp các cửa xả để không cho mực nước hồ vượt cao trình 120,5m.
Quy định về việc vận hành xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang được quy định tại Điều 4 Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 của Thủ tướng chính phủ và tại Điều 5 Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 4754/QĐ-BCT ngày 24/12/2018 của Bộ Công thương như sau:
- Đóng, mở lần lượt 4 cửa xả đáy đầu tiên, mỗi cửa cách nhau 6 giờ, các cửa tiếp theo có thể đóng, mở nhanh hơn.
- Đối với thời kỳ xả hiệu chỉnh vào cuối mùa lũ, cho phép thời gian đóng, mở cửa xả đáy cuối cùng nhanh hơn, tùy theo lưu lượng nước đến hồ.
- Khi xả lũ đảm bảo an toàn công trình, được phép đóng, mở cấp tốc các cửa xả, thời gian đóng, mở các cửa xả thực hiện theo quy định thao tác của thiết bị.
Quy định phương thức cấp thông tin:
Ngay sau khi nhận được Công điện của Ban chỉ đạo Trung Ương về phòng chống thiên tai thực hiện đọc thông báo ngay trên hệ thống loa cảnh báo xả lũ hạ du. Đồng thời thông báo cho các đơn vị gồm: Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Tuyên Quang, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn và Thành phố Tuyên Quang. Đài KTTV tỉnh Tuyên Quang. Đọc thông báo nhắc lại trên hệ thống loa cảnh báo xả lũ 30 phút/lần.
+ Trước khi thực hiện lệnh đóng-mở cửa xả 30 phút, thông báo 10 phút/1 lần.
+ Trước khi thực hiện đóng-mở cửa xả: đọc thông báo lại 1 lần, tiếp theo kéo 02 hồi còi ủ liên tiếp rồi thực hiện lệnh đóng-mở cửa xả theo quy định.
Khi vận hành phát điện: Ngay sau khi nhận được lệnh khởi động tổ máy, huy động phát điện; dừng tổ máy, tăng thêm số máy vận hành phát điện từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia. Trưởng ca nhà máy thủy điện Tuyên Quang thực hiện phát tín hiệu thông báo trên hệ thống loa cảnh báo xả lũ bằng tiếng còi ủ. (Kéo 02 hồi còi liên tiếp).
Một số biện pháp đảm bảo an toàn khi hồ Tuyên Quang xả lũ:
Với chính quyền địa phương:
Trước mùa lũ hàng năm, cần xây dựng phương án ứng phó với các tình huống xả lũ của hồ thủy điện Tuyên Quang. Khi nhận được thông báo xả lũ của Công ty thủy điện Tuyên Quang, cần triển khai ngay đến các xã, thị trấn. Đảm bảo sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tổ chức thực hiện di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng xung yếu hoặc có nguy cơ mất an toàn khi hồ xả lũ.
Khuyến cáo các hộ gia đình đang hoạt động sản xuất tại khu vực hạ lưu công trình cần chủ động thu hoạch hoặc có biện pháp gia cố chắc chắn các lồng, bè nuôi cá nhằm đảm bảo an toàn khi hồ xả lũ.
Với nhân dân sinh sống tại khu vực hạ lưu nhà máy:
Khi nhận được thông báo xả lũ từ nhà máy thủy điện Tuyên Quang được phát qua hệ thống loa cảnh báo, còi xả lũ được bố trí dọc 2 bên bờ sông thì cần nhanh chóng di chuyển người và thiết bị ra khỏi lòng sông, bờ sông và khu vực bị ảnh hưởng do xả lũ từ công trình.
Trong suốt quá trình hồ Tuyên Quang đang xả lũ, không được tập trung đánh bắt cá ở khu vực hạ lưu nhà máy. Gây mất trật tự trong phạm vi bảo vệ của công trình, đe doạ đến an toàn tính mạng đặc biệt khi xuất hiện tình huống công trình thuỷ điện Tuyên Quang phải mở thêm cửa xả.
Tuân thủ lệnh di dời theo chỉ đạo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương khi xuất hiện tình huống nguy hiểm có thể gây mất ổn định đến nhà cửa, công trình dọc bờ sông.
Không xâm phạm vào phạm vi bảo vệ công trình, không neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng vào đập thủy điện hoặc vai đập. Không được cho tàu, thuyền, bè, mảng đi vào khu vực có biển báo vùng cấm phía thượng lưu nhà máy.
Việc vận hành phát điện của Nhà máy theo yêu cầu phụ tải của hệ thống điện Quốc gia nên việc khởi động tổ máy phát điện, dừng tổ máy diễn ra nhanh nên các cấp chính quyền địa phương, các Trường học cần tăng cường tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn, không để các cháu học sinh bơi, lội tại các sông suối hạ du nhà máy mà không được giám sát.
Để giảm thiểu thiệt hại về người, công trình và thiết bị khi hồ thủy điện xả lũ, ngoài sự phối hợp tốt giữa Công ty thủy điện với Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp thì rất cần người dân phải nâng cao nhận thức về quá trình vận hành xả lũ của công trình. Từ đó chủ động phòng ngừa, ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra.