1. Dây dẫn điện: Phải sử dụng loại đảm bảo chất lượng, tiết diện dây phải phù hợp với công suất sử dụng để tránh sự cố đứt, chập, cháy dây dẫn đến tai nạn, cháy nhà.
2. Cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát, công tắc, ổ cắm: Phải đặt nơi khô ráo và nên đặt ở vị trí cao hơn sàn nhà 1,4 mét, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ và tránh khả năng ngập nước.
3. Sửa chữa điện trong nhà: Chỉ tiến hành sửa chữa khi đã cắt nguồn điện. Những mối nối giữa hai dây dẫn phải nối chắc chắn và được băng cách điện kỹ để tránh rò điện.
4. Lắp đặt dụng cụ, máy móc sử dụng điện: Phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà chế tạo, phải nối đất an toàn cho vỏ thiết bị máy bơm nước, bình đun nước nóng bằng điện.
5. Khi mạng điện trong nhà có nguy cơ bị ngập nước do úng lụt: Phải cắt ngay nguồn điện của gia đình, không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền ẩm ướt.
6. Khi có người bị điện hạ áp giật: Cần khẩn trương tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện:
- Nhanh chóng ngắt cầu dao, cầu chì, áp-tô-mát gần nhất, đồng thời hô to để mọi người đến trợ giúp.
- Tuyệt đối không được chạm trực tiếp vào nạn nhân khi chưa tách nguồn điện và tránh xa những dây điện bị đứt rơi xuống đất
- Trường hợp chưa cắt được nguồn điện cần thực hiện ngay một trong các biện pháp sau:
+ Dùng sào tre hay gỗ khô gạt dây điện ra khỏi nạn nhân.
+ Đứng trên bàn (bằng gỗ) túm quần áo khô của nạn nhân để kéo ra khỏi nguồn điện.
+ Dùng dao, búa có cán gỗ khô chặt đứt dây điện.
- Nhanh chóng cứu chữa người bị nạn, đồng thời gọi điện thoại cấp cứu đến số 115.
7. Khi phát hiện những bất thường trên lưới điện như: Dây tải điện bị đứt, cây cối đổ vào đường dây, trạm điện, cột điện bị đổ, vỡ sứ… cần báo ngay cho chính quyền, công an địa phương hoặc đơn vị quản lý điện gần nhất để cắt điện và xử lý khắc phục kịp thời.
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới Điện