Chuyển đổi số

Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào trong công tác quản lý kỹ thuật và đào tạo

Thứ ba, 18/10/2022 | 07:39 GMT+7
Trong những năm qua phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng nghiên cứu khoa học theo hướng chuyển đổi số luôn được Lãnh đạo Công ty Thủy điện Tuyên Quang đặc biệt quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đơn vị.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ thông tin đã và đang được ứng dụng rộng rãi vào mọi mặt của đời sống xã hội thì đối với lĩnh vực xây dựng công trình, công nghệ thông tin cũng đã áp dụng vào các khâu từ thiết kế, thi công, vận hành, bảo trì...

Nắm bắt xu thế phát triển chung về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong đầu tư xây dựng, quản lý vận hành công trình, Phân xưởng Vận hành - Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang đã thực hiện xây dựng chuẩn hoá mô hình 3D công trình dựa trên các phần mềm có nền tảng phát triển từ BIM (Building Information Modeling).

Hình ảnh 3D tổng thể của công trình Thuỷ điện Tuyên Quang

Công trình Thuỷ điện Tuyên Quang được kết hợp từ rất nhiều hạng mục có kết cấu phức tạp, đa dạng như đập đá đổ đầm nén bê tông bản mặt, đập trọng lực, tuyến năng lượng, tuyến tràn, đập đất… và một số các hạng mục công trình xây dựng khác.

Hình ảnh nhìn từ thượng lưu về hạ lưu công trình

Hình ảnh mặt cắt dọc đập tràn

Hình ảnh mặt cắt ngang đập Bê tông bản mặt

Hình ảnh mặt cắt ngang đập Bê tông trọng lực

Trước khi thực hiện xây dựng mô hình 3D công trình, các cán bộ quản lý kỹ thuật công trình, nhân viên vận hành Nhà máy thường sử dụng các bản vẽ hoàn công 2D để có thể hình dung ra kết cấu của công trình tại những vị trí mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, bản vẽ 2D chỉ thể hiện công trình theo mặt phẳng XY, nên để có thể xác định được kết cấu mất rất nhiều thời gian và rất dễ xảy ra nhầm lẫn, việc xác định ra những xung đột trong quá trình thi công sửa chữa, bảo trì giữa các hạng mục thiết bị công trình có kết cấu phức tạp là rất khó.

Để có thể khắc phục những nhược điểm của các bản vẽ 2D, việc thực hiện chuẩn hoá mô hình 3D đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả cao trong quá trình quản lý vận hành công trình cụ thể như sau:

- Trực quan hoá thông qua hình ảnh mô phỏng không gian 3 chiều, cung cấp cho cán bộ quản lý vận hành cái nhìn tổng thể, rõ ràng nhất về công trình, từ đó nâng cao hiệu quả công việc.

- Tối ưu hoá việc trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bộ phận quản lý vận hành và sửa chữa thiết bị công trình.

- Giúp cho công tác tính toán khối lượng sửa chữa, bảo trì thiết bị công trình được thuận tiện, dễ dàng hơn.

- Sử dụng video 3D công trình để phục vụ công tác đào tạo kiến thức chuyên môn về kết cấu công trình cho các cán bộ quản lý vận hành.

Tại Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam, xác định BIM là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đầu tư xây dựng, nên đã đưa BIM vào mục tiêu của "Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam đến năm 2022, tính đến năm 2025".

Để chuẩn bị cho việc áp dụng công nghệ BIM vào công tác Quản lý vận hành, bảo trì và hướng đến quản lý Nhà máy Thuỷ điện thông minh trong tương lai, cán bộ công nhân viên Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang vẫn đang nỗ lực học tập, cải tiến, ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến vào trong công việc, xây dựng và khai thác tối đa hiệu quả mà mô hình 3D công trình mang lại. Qua đó góp phần vào việc hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng sự nghiệp phát triển, lớn mạnh của Công ty.

Ngô Tiến Lượng