Chuyển đổi số

Công nghệ blockchain và tiền điện tử Bitcoin

Thứ tư, 7/2/2024 | 08:53 GMT+7

Công nghệ blockchain và tiền điện tử Bitcoin

I. Phân biệt blockchain và đồng tiền tiền điện tử Bitcoin

Đối với những người mới đến với tiền điện tử, hai thuật ngữ trên có thể khá khó hiểu và thậm chí gây hiểu nhầm. Một số người đề cập đến Bitcoin khi nói về công nghệ blockchain, trong khi những người khác sẽ đề cập đến blockchain khi nói về tiền điện tử nói chung. Tuy nhiên, các thuật ngữ này không thực sự hoán đổi cho nhau: chúng là các khái niệm riêng biệt nhưng có sự kết nối với nhau. Vì vậy, điều quan trọng là phải hiểu sự khác biệt giữa chúng.

Blockchain là một công nghệ dùng để ghi chép thông tin (các khối dữ liệu). Tiền điện tử là một trong những cách phổ biến và được biết đến nhiều nhất để sử dụng blockchain. Bitcoin là ví dụ đầu tiên và phổ biến nhất về tiền điện tử.

Về khái niệm, hầu hết các blockchain được thiết kế như một sổ cái kỹ thuật số phân tán và phi tập trung. Nói một cách đơn giản, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số, hay về cơ bản là phiên bản điện tử của sổ cái trên giấy có vai trò ghi lại danh sách các giao dịch.

Cụ thể hơn, một blockchain là một chuỗi tuyến tính gồm nhiều khối được kết nối và được bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã. Công nghệ Blockchain cũng có thể được áp dụng trong các lĩnh vực khác không nhất thiết phải có các hoạt động tài chính. Trong bối cảnh tiền điện tử, blockchain có vai trò lưu giữ hồ sơ vĩnh viễn của tất cả các giao dịch đã được xác nhận.

'Phân tán' và 'phi tập trung' đề cập đến cách thức tổ chức và duy trì của sổ cái. Để hiểu sự khác biệt, hãy nghĩ về các hình thức sổ cái tập trung phổ biến như hồ sơ công khai về mua bán nhà, hồ sơ rút tiền ATM của ngân hàng hoặc danh sách các mặt hàng đã bán của eBay. Trong mỗi trường hợp ví dụ đưa ra, chỉ có một tổ chức kiểm soát sổ cái: một cơ quan chính phủ, ngân hàng hoặc eBay. Một yếu tố phổ biến khác là chỉ có một bản chính của sổ cái và bất cứ bản nào khác chỉ đơn giản là bản sao lưu chứ không phải là bản chính thức. Do đó, sổ cái truyền thống mang tính tập trung bởi vì chúng được duy trì bởi một tổ chức duy nhất và thường dựa vào một cơ sở dữ liệu duy nhất.

Ngược lại, một blockchain thường được xây dựng như một hệ thống phân tán có chức năng như một sổ cái phi tập trung. Điều này có nghĩa là có nhiều bản sổ cái (phân tán) và không có tổ chức nào nắm quyền kiểm soát duy nhất (phi tập trung). Nói một cách đơn giản, mỗi người dùng tham gia vào mạng blockchain sẽ giữ một bản sao điện tử của dữ liệu blockchain. Dữ liệu blockchain được cập nhật thường xuyên tất cả các giao dịch mới nhất và đồng bộ với bản sao của người dùng.

Nói cách khác, một hệ thống phân tán được duy trì bởi công việc tập thể của nhiều người dùng trên khắp thế giới. Những người dùng này còn được gọi là các node mạng, và tất cả các node này đều tham gia vào quá trình xác minh và xác thực giao dịch theo các quy tắc của hệ thống. Do đó, quyền lực là phi tập trung (không có cơ quan trung ương).

Về thực tiễn, blockchain là một chuỗi các khối liên kết. Về cơ bản, một khối chính là một loại dữ liệu, trong số các loại hình khác, chứa danh sách các giao dịch gần đây (giống như một trang in gồm các mục nhập). Các khối, cũng như các giao dịch, được công khai và có thể nhìn thấy, nhưng chúng không thể bị thay đổi (giống như việc cất mỗi trang in vào một hộp kính kín). Khi các khối mới được thêm vào blockchain, một bản ghi liên tục gồm các khối liên kết sẽ được hình thành (giống như một sổ cái vật lý có nhiều trang). Đây là một ví dụ đơn giản để dễ hình dung, nhưng thực tế thì quá trình này diễn ra phức tạp hơn nhiều.

Một trong những lý do chính tại sao blockchain có khả năng chống sửa đổi là do các khối được liên kết và bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã. Để tạo ra các khối mới, những người trong mạng cần tham gia vào một hoạt động tính toán tốn kém và có cường độ lớn được gọi là đào. Về cơ bản, các thợ mỏ chịu trách nhiệm xác minh các giao dịch và nhóm chúng thành các khối mới được tạo rồi sau đó đưa thêm vào blockchain (nếu đáp ứng được các điều kiện nhất định). Họ cũng có trách nhiệm đưa các coin mới vào hệ thống, được phát hành như một phần thưởng cho công việc của họ.

Mỗi khối mới được xác nhận sẽ liên kết với khối ngay trước nó. Điểm hay của thiết lập này là không thể thay đổi dữ liệu trong một khối một khi khối được thêm vào blockchain vì được bảo đảm bằng bằng chứng mật mã. Quá trình tạo ra một khối mới rất tốn kém và việc hoàn tác là cực kỳ khó.

Tóm lại, một blockchain là một chuỗi liên kết gồm các khối dữ liệu được sắp xếp theo thứ tự thời gian và được bảo đảm bằng các bằng chứng mật mã.

Trong khi đó tiền điện tử, nói một cách đơn giản, là một dạng tiền kỹ thuật số được sử dụng như một phương tiện trao đổi trong một mạng lưới người dùng phân tán. Không giống như các hệ thống ngân hàng truyền thống, các giao dịch này được theo dõi thông qua một sổ cái kỹ thuật số công cộng (blockchain) và có thể được thực hiện trực tiếp giữa những người tham gia (ngang hàng) mà không cần trung gian.

'Crypto' dùng để chỉ các kỹ thuật mã hóa được sử dụng để bảo mật hệ thống kinh tế và để đảm bảo rằng việc tạo ra các đơn vị tiền điện tử mới và việc xác thực giao dịch diễn ra suôn sẻ.

Mặc dù không phải tất cả các đồng tiền điện tử đều có thể đào được, nhưng rất nhiều đồng tiền, giống như Bitcoin, phụ thuộc vào quá trình đào, có sự tăng trưởng chậm và được kiểm soát về nguồn cung lưu hành. Vì vậy, đào là cách duy nhất để tạo ra các đơn vị mới của các đồng coin và giúp tránh được rủi ro lạm phát vốn là mối đe dọa của các loại tiền tệ fiat truyền thống, nơi mà chính phủ có thể kiểm soát nguồn cung tiền.

II. Nguồn gốc, lịch sử hình thành của Bitcoin

"Quá trình giao dịch thương mại trên Internet hầu hết đều chỉ dựa vào các tổ chính tài chính, với vai trò là bên thứ ba đáng tin cậy, để xử lý các khoản thanh toán điện tử. Tuy hệ thống xử lý khá tốt hầu hết các giao dịch, nó vẫn tồn tại những điểm yếu cố hữu của mô hình tín nhiệm" - đây là lời mở đầu trong cuốn sách trắng "Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System", được viết bởi người được xem là "cha đẻ của Bitcoin", Satoshi Nakamoto. Trong chưa đầy 10 trang giấy, Satoshi đã trình bày ý tưởng về việc tạo ra một mạng phi tập trung dựa trên thuật toán bằng chứng công việc (proof-of-work) trên máy tính cá nhân của người dùng. Bản tuyên ngôn, được xuất bản vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, không chỉ đặt nền móng cho một hệ thống thanh toán phi tập trung mà còn là một giải pháp thay thế thị trường vốn truyền thống trị giá hơn 2,7 nghìn tỷ USD (tính đến cuối tháng 10 năm 2021). Vai trò quan trọng của sự tín nhiệm đối với các đồng tiền pháp định (tiền fiat) đã được quan sát thấy chỉ vài năm sau khi Satoshi phát hành cuốn sách của mình. 

Vào tháng 1 năm 2009, ngay sau khi khối (block) đầu tiên được khai thác, mạng Bitcoin đã bắt đầu đi vào hoạt động. Khối có giá trị 50 BTC, hay được biết đến là khối gốc (genesis block), đã được chính Satoshi Nakamoto khai thác. BTC client, ứng dụng được phân phối vào thời điểm lúc đó theo giấy phép nguồn mở (open source licence), cho phép nhiều người dùng tham gia vào mạng lưới và cùng nhau xây dựng chuỗi khối Bitcoin (Bitcoin blockchain). Đó cũng là thời điểm họ phải đối mặt với vấn đề lớn đầu tư - làm thế nào để định giá đồng tiền điện tử mới? 

Mặc dù giao dịch đầu tiên đã diễn ra vào tháng 1, nhưng phải đến tháng 10 năm 2009, tỷ giá hối đoái đầu tiên của Bitcoin trong thực tế mới được xác định. Với giá trị lúc bấy giờ chính xác là 1 USD cho 1309 BTC. Tính đến cuối tháng 10 năm 2021, lượng Bitcoin này có giá trị hơn 81 triệu USD! Có thể thấy, những người sở hữu Bitcoin đầu tiên có tỷ lệ lợi nhuận cực kỳ cao. Đây cũng là một trải nghiệm khó quên của Laszlo Hanyecz, người đầu tiên trên thế giới sử dụng đồng Bitcoin để thanh toán. Vào ngày 22 tháng 5 năm 2010, lập trình viên này đã dùng 10,000 BTC (mười ngàn đồng Bitcoin) để trả cho hai chiếc bánh pizza.

Trước đó ít lâu, vào tháng 2 năm 2010, một cổng thông tin dùng để mua Bitcoin đã được tạo ra với tên gọi là Bitcoin Market bởi một người dùng trên cùng diễn đàn nơi Laszlo Hanyecz kể về giao dịch của mình. Tuy nhiên, nền tảng này đã không thể thu hút số đông người dùng và cuối cùng buộc phải dừng hoạt động vào giữa năm 2011 sau khi chấm dứt mối quan hệ hợp tác giữa Bitcoin Market và PayPal - công ty trung gian cho các giao dịch mua đồng Bitcoin. 

Mt. Gox, được tạo ra bởi Jed McCaleb, là một nền tảng khác được đón nhận nhiều hơn. Ngoài việc cho phép người dùng mua BTC, Mt. Gox được biết đến bởi việc duy trì tỷ giá hối đoái ổn định và cung cấp thông tin về các mức giá cao và thấp nhất trong ngày củaBitcoin, cùng với khối lượng giao dịch hàng ngày. Nhiều người còn xem Mt. Gox như một nền tảng giao dịch Bitcoin đầu tiên. Vào ngày 6 tháng 3 năm 2011, McCaleb đã bán nền tảng này cho Mark Karpeles, người đưa Mt. Gox lên vị trí sàn giao dịch Bitcoin lớn thứ hai trên Internet trong nhiều năm. 

Trong khoảng thời gian đó, nhiều đối thủ của Mt.Fox cũng bắt đầu xuất hiện. Ngày 27 tháng 3, Britcoin, với mục đích mua BTC bằng bảng Anh, đã được tạo ra. Bốn ngày sau đó, Bitcoin Brazil cũng được ra mắt với mục đích cho phép cư dân ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ tự do giao dịch Bitcoin. Vào đầu tháng 4 năm 2011, BitMarket.eu cũng đã ra mắt với tính năng mua Bitcoin bằng đồng Euro. Tháng 7 cùng năm, cổng thông tin WikiLeaks, theo sau là các tổ chức và hiệp hội, bắt đầu chấp nhận khoản đóng góp bằng đồng Bitcoin. Vào thời điểm đó, vốn hóa Bitcoin đã vượt mức 1 triệu USD và Slush's Pool, mỏ đào Bitcoin đầu tiên, đã đạt công suất 10,000 Mhash/giây. Đồng thời, tính đến cuối tháng 1 năm 2011, 25% trong tổng số Bitcoin đã được khai thác và loại tài sản mới này bắt đầu thu hút sự quan tâm của giới truyền thông. Tuy nhiên, sau khi đạt mức đỉnh 32 USD, giá Bitcoin đã sụt giảm và kết thúc năm 2011 với mức giá gần 5 USD. Sau cú trượt dài này, thị trường Bitcoin đã trải qua các đợt điều chỉnh 80-90% từ mức đỉnh lúc đó trong vài năm tiếp theo.

III. Triển vọng phát triển của Bitcoin

Vào tháng 2 năm 2013, Coinbase thông báo số Bitcoin trị giá hàng triệu USD đã được bán sạch chỉ trong vòng một tháng. Ngay từ cuối tháng 3, vốn hóa BTC đã vượt mức 1 tỷ USD. Đồng thời, biểu đồ của đồng tiền điện tử này cũng cho thấy một mô hình tăng trưởng gần như thẳng đứng theo thời gian.

Cùng năm đó, vào ngày 10 tháng 4, Bitcoin thiết lập mức cao nhất trong lịch sử là 266 USD, đánh dấu sự kết thúc của thị trường tăng giá thứ hai. Sau đó, với mức giảm hơn 80% chỉ trong sáu ngày, nhiều người đã dự đoán về sự sụp đổ của "đứa con" do Satoshi tạo ra. Tuy nhiên, đồng tiền kỹ thuật số này đã một lần nữa chứng minh vị thế của mình với hàng loạt các ứng dụng dựa trên Bitcoin ngày càng tăng. 

Sau khi các nhà chức trách Đức công nhận Bitcoin là một phương tiện thanh toán cá nhân chính thức vào tháng 9 năm 2013, biểu đồ giá Bitcoin bắt đầu di chuyển với động thái tương tự nửa đầu. Lần này, Bitcoin chỉ mất 8 tuần để thiết lập một mức đỉnh cao nhất thời đại mới tại ngưỡng 1242 USD.

Tuy nhiên, theo một trong những lý thuyết của phân tích kỹ thuật, lịch sử luôn luôn lặp lại và theo sau một đợt tăng giá mạnh sẽ là một đợt lao dốc lớn. Với những diễn biến này, Bitcoin đã trở nên quen thuộc không chỉ đối với những người đam mê công nghệ mà còn phổ biến với những nhà đầu cơ đang hy vọng giá của nó sẽ tiếp tục tăng cao. 

Nhưng cũng vì tính chất của mình, Bitcoin đã trở thành một chủ đề cực kỳ phổ biến trong giới tội phạm. Vào tháng 10 năm 2013, FBI đã thu giữ khoảng 26 nghìn BTC sau khi bắt giữ người tạo ra Silk Road, trang web nổi tiếng nhất lúc bấy giờ với những giao dịch mua bán bất hợp pháp. Có lẽ cùng vì sự kiện này mà tận đến năm 2017, thị trường mới có thể chứng kiến động thái tăng giá của Bitcoin. Tuy nhiên, điều này cũng không đồng nghĩa rằng lịch sử của Bitcoin đã dừng lại trong khoảng thời gian đó. 

Sự sụp đổ của sàn giao dịch Bitcoin lớn, Mt. Gox, lúc bấy giờ cũng không gây ra tác động tiêu cực đến danh tiếng của Bitcoin. Đầu tháng 2 năm 2014, nền tảng giao dịch này đã tạm dừng các khoản thanh toán và rồi nộp đơn xin phá sản vào ngay cuối tháng. Hóa ra, vụ phá sản là hậu quả của một vụ trộm Bitcoin với quy mô lớn chưa từng có, dẫn đến thiệt hại hơn 744,000 BTC. Vào tháng 9 cùng năm, TeraExchange nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ (CFTC) để tạo ra sản phẩm OTC đầu tiên dựa trên giá của Bitcoin. Động thái này đã ảnh hưởng đến Bitcoin như thế nào?

Các sản phẩm OTC hay còn gọi là sản phẩm phi tập trung (over-the-counter) được kiểm soát giúp tăng số lượng người đầu tư vào Bitcoin. Cho đến thời điểm đó, Bitcoin được xem là chủ đề của những người đam mê Internet, nhưng trên thực tế, công nghệ của nó đã thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp như Dell và Microsoft. Đáng tiếc, việc chấp nhận Bitcoin của thị trường tài chính đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ những đại diện của thị trường. Vào tháng 12 năm 2013, cựu chủ tịch của Fed, Alan Greenspan, đã đưa ra phát biểu về Bitcoin và gọi đồng tiền kỹ thuật số là một "bong bóng đầu cơ". Ngoài ra, Warren Buffet cũng đã tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn vào đầu năm 2014 rằng "Bitcoin là một ảo ảnh".

Bỏ ngoài tai những bình luận về mình, việc Bitcoin ngày càng được biết đến rộng rãi với vai trò là một giải pháp thay thế cho đồng tiền định danh đã dần dần đẩy giá lên. Vào tháng 3 năm 2017, giá Bitcoin đã vượt qua giá của một ounce vàng, lúc bấy giờ là 1286 USD. Bitcoin đã thu được niềm tin nhờ vào những thay đổi luật pháp tại nhiều quốc gia. Cũng vào năm 2017, Nhật Bản đã bắt đầu công nhận Bitcoin như một sự thay thế hợp pháp cho tiền tệ của họ. Luật phát được ban hành vào thời điểm này cho phép sở hữu Bitcoin và trao đổi với tiền tệ trong nước hoặc ngoài nước, nhưng không cho phép sử dụng Bitcoin để thanh toán trực tiếp cho hàng hóa cũng như dịch vụ. Với sự tăng giá của BTC, sự quan tâm đến bong bóng mới nổi cũng tăng lên và cùng lúc đó, khối lượng trên các sàn giao dịch tiền điện tử cũng tăng lên. Tuy nhiên vào giữa năm 2017, một đợt chia tách đã diễn ra với chính những người ủng hộ Bitcoin và khỏi chính chuỗi khối của nó. 

Vào ngày 1 tháng 8, mạng lưới đã bị chia tách, dẫn đến việc tạo ra hai loại tiền điện tử riêng biệt - Bitcoin và Bitcoin Cash. Loại thứ hai được đặc trưng bởi kích thước khối lớn hơn (lên đến 8 MB) nhưng sự thay đổi này đã không làm giảm đáng kể sự quan tâm đến Bitcoin. Tính đến cuối tháng 10 năm 2021, Bitcoin Cash chỉ nằm trong nhóm 10 đồng tiền điện tử phổ biến nhất thứ ba xét theo giá trị vốn hóa thị trường - thua xa Bitcoin. 

Bất cấp việc chia tách mạng lưới, Bitcoin vẫn tiếp tục tăng giá và xu hướng đang diễn ra đối với Đợt phát hành tiền điện tử đầu tiên (ICO - Initial Coin Offering) đã đẩy giá của BTC lên khoảng 19,500 USD vào giữa tháng 12 năm 2017. Tuy nhiên, bong bóng một lần nữa đã bị vỡ vào thời điểm vô cùng phấn khích nhờ vào sự kịch tính trong động thái tăng giá của mình và vốn hóa của đồng tiền điện tử này vượt mức 100 tỷ USD. Trong 12 tháng sau đó, giá Bitcoin đã mất gần 85% và kiểm tra mức 3200 USD. Vào năm 2019, dù thị trường đã nỗ lực tấn công các mức đỉnh trước đó nhưng cuối cùng mức tăng đã dừng lại ở mức khoảng 13,000 USD. Chỉ đến năm 2020, thị trường mới chứng kiến một đợt phục hồi tăng giá tiếp theo. 

Bitcoin đã kết thúc năm 2019 với mức giá gần 7250 USD và 12 tháng sau đó, giá trị của nó đã đạt gần mức 29,000 USD. Tiếp đó vào giữa tháng 4 năm 2021, Bitcoin xác nhận mức đỉnh ở khoảng 64,000 USD. Sự gia tăng mạnh mẽ xen kẽ với những đợt điều chỉnh nông, không chỉ được thúc đẩy bởi việc ứng dụng công nghệp blockchain trong nền kinh tế thực ngày càng được mở rộng cùng với những kỳ vọng liên quan đến các sản phẩm tài chính mới dựa trên giá Bitcoin, mà còn bởi sự đa dạng hóa rủi ro. 

Thời gian kéo dài của chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo do nhiều ngân hàng trung ương thực hiện cuối cùng đã dẫn đến sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu và do đó làm giảm sức mua của tiền. Trong khi đó, với nguồn cung có hạn ở 21 triệu đơn vị, Bitcoin vẫn tiếp tục tăng giá, khiến đồng tiền này trở thành một sự thay thế hấp dẫn cho các tài sản tài chính truyền thống. Cũng vì vậy, ngày càng có nhiều người bắt đầu cảnh báo về bong bóng đầu tư được thúc đẩy bởi kỳ vọng về việc giá Bitcoin sẽ leo cao hơn. Mặc dù đồng tiền điện tử phổ biến nhất đã định giá lại hơn 50% trong nửa đầu năm 2021, nhưng những tháng sau đó đã mang đến một mức đỉnh mới trên biểu đồ tại ngưỡng 66,900 USD. Những diễn biến thú vị nào đang chờ đợi Bitcoin ở tương lai?

Trên thực tế, rất khó để trả lời câu hỏi này. Sử dụng một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến, Fibonacci, mang lại hy vọng cho một đợt kiểm tra mức xung quanh 89,000 USD. Cũng nên lưu ý rằng Bitcoin thường xuyên đưa ra những bất ngờ cho các nhà phân tích. Tuy nhiên, vẫn có thể xác định một số yếu tố ảnh hưởng đến giá Bitcoin cho đến nay: 

- Yếu tố thị trường

Như với bất kỳ loại hàng hóa hoặc tiền tệ nào, lực cung và cầu đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định giá Bitcoin.

Khi ngày càng có nhiều người sử dụng Bitcoin để giao dịch, đầu tư hoặc đơn giản là một kho lưu trữ giá trị, nhu cầu về tiền kỹ thuật số tăng lên, đẩy giá của nó lên cao. Ngược lại, nếu nhu cầu về Bitcoin suy yếu, giá trị của nó có thể sẽ giảm.

Nguồn cung của bitcoin được giới hạn ở mức 21 triệu, có nghĩa là có một số lượng hữu hạn các đồng coin. Những người khai thác tạo ra bitcoin mới thông qua việc khai thác, điều này ngày càng trở nên khó khăn hơn theo thời gian.

Ngoài ra, sự kiện giảm một nửa Bitcoin hay còn gọi là Bitcoin halving, xảy ra khoảng bốn năm một lần, làm giảm 50% số lượng tiền mới tham gia thị trường. Những yếu tố này góp phần hạn chế nguồn cung, có thể ảnh hưởng đến giá Bitcoin.

- Yếu tố tâm lý

Tin tức và dư luận đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tâm lý thị trường và ảnh hưởng đến giá Bitcoin.

Tin tức tích cực , chẳng hạn như việc các công ty lớn áp dụng ngày càng nhiều hoặc các quy định phát triển thuận lợi, có thể làm tăng giá. Ngược lại, những tin tức tiêu cực, chẳng hạn như vi phạm an ninh hoặc các quy định bất lợi, có thể gây ra tình trạng bán tháo, đẩy giá xuống.

Khi thị trường lạc quan và tham lam, mọi người có thể mua nhiều Bitcoin hơn, khiến giá tăng vọt. Tuy nhiên, khi nỗi sợ hãi và hoảng loạn xuất hiện, các nhà đầu tư có thể vội vàng bán cổ phần của họ, dẫn đến giá giảm mạnh.

- Môi trường pháp lý

Chính phủ và các cơ quan quản lý đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của tiền điện tử như Bitcoin.

Các quy định tích cực, chẳng hạn như hợp pháp hóa Bitcoin hoặc tạo ra các hướng dẫn rõ ràng, có thể khuyến khích việc áp dụng và thúc đẩy giá của nó. Mặt khác, các quy định nghiêm ngặt hoặc lệnh cấm hoàn toàn có thể cản trở sự phát triển và tác động tiêu cực đến giá trị của loại tài sản này.

IV. Khuyến cáo

- Hiểu được nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá của Bitcoin có thể giúp các nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi đầu tư hoặc giao dịch tiền điện tử.

- Bằng cách xem xét tác động của cung và cầu, tâm lý thị trường, lợi ích của tổ chức, môi trường pháp lý, sự phát triển công nghệ, sự kiện địa chính trị và tiền điện tử cạnh tranh, các nhà đầu tư có thể dự đoán tốt hơn các biến động giá tiềm năng và định vị bản thân phù hợp./.