Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là: Chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng đề xuất, chủ đề chuyển đổi số năm 2024 với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, Số hóa các ngành kinh tế, Quản trị số và Dữ liệu số.
Báo cáo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cho thấy, bước qua năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Việt Nam liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu về chuyển đổi số kể từ năm 2018 đến nay.
Theo đánh giá, xếp hạng của Liên minh Bưu chính thế giới, Chỉ số Bưu chính của Việt Nam năm 2023 đạt cấp độ 6/10 và liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu trong 5 năm qua. Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022; trong đó, có 03 ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn là: VNeID (Bộ Công an), VssID (Bảo hiểm Xã hội) và Thanh niên Việt Nam (Trung ương Đoàn). Các Bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được các thành tích ấn tượng tại các cuộc thi quốc tế về an toàn thông tin ở cả cấp độ chuyên gia và cấp độ trẻ; giành ngôi vô địch trong các cuộc thi: Cuộc thi uy tín nhất thế giới trong giới chuyên gia Pwn2Own; cuộc thi ASEAN Cyber Shield; cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số khẳng định các ưu tiên chính của chuyển đổi số quố gia năm 2024
Trong số 62 mục tiêu mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số đặt ra, có 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kinh tế số đã khẳng định là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, chiếm gần 17% GDP, đạt tốc độ tăng trưởng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng của GDP, đặc biệt giúp tăng năng suất lao động.
Với những kết quả trên, sau 4 năm triển khai, chuyển đổi số quốc gia đã hội tụ đủ điều kiện và đến thời điểm để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là phát triển kinh tế xã hội.
Để để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào các nhiệm vụ:
Nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024 (hạ tầng số phải đi trước).
Triển khai hiệu quả và phát triển các nền tảng số, ứng dụng số, dịch vụ số, tập trung phát triển và đẩy mạnh phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, ứng dụng công dân số VNeID, ứng dụng thanh toán số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số cá nhân…
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng số... Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao./.