Tính bổ sung là chìa khóa để xác định giá trị của một kỹ năng. Ảnh: NBC
Công nghệ khiến cho khoảng cách kỹ năng giữa con người và máy móc ngày càng mở rộng
Những năm gần đây, chúng ta thường xuyên đặt ra câu hỏi: Liệu con người có thể theo kịp AI không? AI và các công nghệ kỹ thuật số khác đã bắt đầu định hình lại các ngành công nghiệp, khiến một số công việc trở nên lỗi thời, đồng thời tạo ra những công việc hoàn toàn mới. Sự chuyển đổi liên tục này đòi hỏi người lao động và doanh nghiệp phải thích ứng với bối cảnh công việc đang thay đổi. Những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như AI (như ChatGPT hoặc Dall-E) mang đến những cơ hội mới, nhưng chúng cũng tạo ra nhu cầu cấp thiết về các kỹ năng cụ thể.
Tốc độ thay đổi công nghệ và xã hội đã nhanh chóng vượt xa khả năng bắt kịp của các hệ thống đào tạo mỗi quốc gia và người sử dụng lao động. Do đó, nhiều người lao động đang ở "ngã ba đường" chưa định hướng được những kỹ năng nào sẽ đảm bảo cho tương lai việc làm của mình.
Vấn đề nan giải này còn phức tạp hơn đối với những người đã đầu tư vào bộ kỹ năng hiện tại của mình và những người có nguồn lực hạn chế để bắt tay vào con đường sự nghiệp hoàn toàn mới. Lực lượng lao động toàn cầu được khuyến khích liên tục đào tạo lại các kỹ năng, vì sự thay đổi công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho những kỹ năng mới phát triển trong khi làm cho những kỹ năng khác trở nên dư thừa. Nhưng câu hỏi trọng tâm vẫn là: làm thế nào để người lao động có thể xác định nên đầu tư vào những kỹ năng nào?
Tính bổ sung: Chìa khóa để tạo ra giá trị cho mỗi kỹ năng
Để giải quyết vấn đề này này, các nhà nghiên cứu tại Viện Internet Oxford (Đại học Oxford) đã phân tích hồ sơ kỹ năng của khoảng 25.000 lao động tri thức trong vòng 1 thập kỷ. Và họ nhận thấy rằng tính bổ sung - mức độ một kỹ năng hỗ trợ và nâng cao các kỹ năng khác - là chìa khóa để xác định giá trị của kỹ năng đó. Có 3 lý do vì sao điều này lại quan trọng:
Bộ kỹ năng: Hiếm khi chúng ta áp dụng một kỹ năng một cách riêng lẻ, hầu hết các công việc đều yêu cầu sự kết hợp của các kỹ năng với nhau. Vì vậy, giá trị của một kỹ năng chỉ có thể được đánh giá trong bối cảnh các kỹ năng bổ sung cho nhau.
Hiệu quả đào tạo lại kỹ năng: Khi người lao động thích ứng với công nghệ mới, họ sẽ dần dần bổ sung thêm các kỹ năng mới vào bộ kỹ năng hiện có của mình. Tối đa hóa sự bổ sung giữa các kỹ năng cũ và mới rất quan trọng để đạt được hiệu quả kinh tế trong quá trình này.
Giá trị chiến lược: Khi tập hợp các kỹ năng bổ sung của một kỹ năng cụ thể trở nên đa dạng hơn, người lao động càng có nhiều lựa chọn chiến lược để đào tạo lại kỹ năng. Điều này làm tăng khả năng "chống chọi" của họ trước những thay đổi công nghệ không lường trước được trong tương lai.
Vậy giá trị của một kỹ năng bị ảnh hưởng bởi tính bổ sung như thế nào? Đầu tiên, các lựa chọn rất quan trọng - một kỹ năng sẽ có giá trị hơn nếu nó có thể được kết hợp với nhiều kỹ năng khác. Thứ hai, giá trị của một kỹ năng phụ thuộc vào sự đa dạng của các kỹ năng khác mà nó có thể kết hợp được. Phạm vi bổ sung càng đa dạng thì kỹ năng càng có giá trị. Cuối cùng, không chỉ số lượng mà cả chất lượng của các phần bổ sung cũng ảnh hưởng đến giá trị của một kỹ năng, một kỹ năng sẽ trở nên có giá trị hơn nếu những phần bổ sung của nó cũng có giá trị cao. Ngoài tính chất bổ sung, các kỹ năng sẽ trở nên có giá trị hơn nếu chúng có nhu cầu cao so với lực lượng lao động sẵn có.
Hiện nay, AI đi đầu trong đổi mới công nghệ, tạo ra những cơ hội và nhu cầu mới về các kỹ năng cụ thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các kỹ năng liên quan đến AI. Trong mô hình của họ, các kỹ năng AI (như học máy, học sâu, ngôn ngữ lập trình và phân tích dữ liệu, ...) đã được chứng minh là đặc biệt có giá trị, cụ thể là tăng lương cho người lao động đến 21%, cao hơn nhiều so với các kỹ năng trung bình khác.
Giá trị của các kỹ năng AI cao hơn đáng kể so với các kỹ năng trung bình. Nguồn: Viện Internet Oxford
Các kỹ năng AI thể hiện tính bổ sung mạnh mẽ với nhiều kỹ năng khác, cả về số lượng và tính đa dạng. Điều này làm cho chúng có khả năng thích ứng cao và có giá trị trong nhiều bối cảnh khác nhau. Chúng đã tham gia vào nhiều lĩnh vực công việc tri thức khác nhau, từ thiết kế đồ họa, dịch thuật đến phát triển phần mềm. Ngoài ra, nhu cầu về kỹ năng AI ngày càng tăng trong những năm gần đây, khi các ngành công nghiệp trên khắp thế giới đón nhận AI, nhu cầu về nhân công có kỹ năng AI sẽ cao, dẫn đến mức lương tăng lên.
Như vậy, mặc dù mỗi công việc sẽ yêu cầu những kỹ năng riêng biệt, nhưng mức độ mà các kỹ năng kết hợp, bổ sung cho nhau sẽ là chìa khóa để tạo ra giá trị kinh tế cho từng kỹ năng. Đặc biệt, việc trang bị các kỹ năng AI sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người lao động.
Bằng cách nhận ra giá trị của tính bổ sung, người lao động có thể định hướng tốt hơn trong hành trình đào tạo lại kỹ năng của mình để phục vụ cho công việc. Đối với các tổ chức, đầu tư vào phát triển kỹ năng AI trong lực lượng lao động cũng chính là đầu tư cho tương lai. Đây là một động thái chiến lược không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giúp doanh nghiệp chống lại sự gián đoạn công nghệ trong tương lai.
Thế giới việc làm đang phát triển và khả năng thích ứng chính là chìa khóa thành công. Nhiều người cùng học một kỹ năng có thể mang lại kết quả khác nhau, tùy thuộc vào những kỹ năng mà mỗi người đã có. Hiểu được tính bổ sung của các kỹ năng là điều cần thiết trong việc đưa ra quyết định sáng suốt về lộ trình đầu tư vào việc phát triển kỹ năng của mỗi cá nhân./.