Trong ngày thứ hai của toạ đàm, có 12 bài trình bày của các chuyên gia xoay quanh những vấn đề như: Chuyển đổi số lưới điện, các công nghệ thông minh và vận hành lưới điện thông minh, an ninh mạng; Chuyển đổi số nâng cấp cuộc sống của khách hàng; Kỹ năng số, các công việc xanh và tử tế và vấn đề giới – Chuyển dịch năng lượng công bằng.
Chuyên gia Arya Fazilat đến từ Tổng công ty Truyền tải điện 50Hertz (một trong 4 Tổng công ty Truyền tải điện của Cộng hòa Liên bang Đức, trực thuộc Tập đoàn ELIA) đã đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi số, cũng như xây dựng lưới điện thông minh tại tập đoàn này. Theo đó, ELIA tiến hành chuyển đổi số với các giải pháp chính là: Phát triển công nghệ mới, hiện đại trong các hoạt động kinh doanh cốt lõi; Cải tiến nền tảng công nghệ thông tin; Nâng cao năng lực và văn hóa đảm bảo tạo ra giá trị để duy trì sự tập trung và phù hợp với chiến lược. Các giải pháp được thực hiện đồng bộ và có sự tham gia của toàn bộ tổ chức.
Ông Jesper Vauvert, chuyên gia quốc tế về Hiệu quả năng lượng, cũng phân tích tính ứng dụng của AI trong lĩnh vực quản lý năng lượng, chẩn đoán sự cố, điều khiển và theo dõi, xác minh các nguồn năng lượng... Ông Jesper Vauvert cũng đưa ra nhận định lộ trình chuyển đổi số chỉ thành công khi doanh nghiệp giải quyết tốt các vấn đề an ninh mạng, về quyền sở hữu/chia sẻ dữ liệu, về các giao thức/tiêu chuẩn truyền thông và vấn đề nâng cao chất lượng nguồn năng lực.
Đặc biệt, phân tích về vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng công bằng, bà Melita Rogelj, chuyên gia đến từ GFA Consulting - công ty tư vấn hàng đầu tại Đức trong lĩnh vực hợp tác, phát triển cho biết các doanh nghiệp cần thúc đẩy phụ nữ tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp cũng như trong chuyển dịch năng lượng công bằng. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần xây dựng sự bình đẳng về giới trong bổ nhiệm lãnh đạo, tiếp cận tri thức số và bình đẳng trong quyết định.
Theo bà, bình đẳng giới trong chuyển dịch năng lượng công bằng sẽ được đảm bảo khi có cơ sở chính sách phù hợp, trong đó có tiếp cận giáo dục bền vững, sự tham gia toàn diện của nữ giới với sự hỗ trợ của các mạng lưới và xây dựng lực lượng lao động đa dạng trong ngành năng lượng.
Bên cạnh các thông tin hữu ích đến từ các chuyên gia, các đại biểu cũng tham gia 4 phiên toạ đàm với các chủ đề: Tương lai của ngành Điện - Chuyển đổi số lưới điện, các công nghệ thông minh và vận hành lưới điện thông minh, an ninh mạng; Chuyển đổi số thúc đẩy hiệu quả năng lượng; Chuyển đổi số cải thiện cuộc sống của khách hàng như thế nào và Làm sao để đảm bảo vấn đề giới trong hướng tới thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng.
Ngày làm việc thứ ba của chương trình tọa đàm sẽ diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với các nội dung: Thông tin và số liệu về vấn đề giới ở Việt Nam; Các vấn đề về Giới trong ngành năng lượng; Những câu chuyện thành công từ phụ nữ trong ngành năng lượng
Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ GIZ sẽ giới thiệu tới các đại biểu của EVN một số giải pháp để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, trong đó có ý tưởng về việc thành lập Mạng lưới Phụ nữ trong Ngành năng lượng tại Việt Nam.
Tọa đàm của GIZ và EVN phối hợp tổ chức là cơ hội để các bên có thể trao đổi, nắm bắt các xu hướng mới về chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số cũng như các hoạt động về bình đẳng giới trong ngành năng lượng tại Việt Nam và trên thế giới.
Một số hình ảnh tại ngày thứ hai của toạ đàm Chuyển dịch năng lượng công bằng, Chuyển đổi số và Bình đẳng giới:
Bà Melita Rogelj, chuyên gia đến từ GFA Consulting trình bày về các yếu tố chính thúc đẩy vấn đề giới trong Chuyển dịch năng lượng công bằng
Phiên tọa đàm với chủ đề "Làm sao để đảm bảo vấn đề giới trong hướng tới thực hiện chuyển dịch năng lượng công bằng" với sự tham gia của 5 diễn giả.
Phiên tọa đàm về Tương lai của ngành Điện - Chuyển đổi số lưới điện, các công nghệ thông minh và vận hành lưới điện thông minh, an ninh mạng.