Hạnh phúc - bài toán muôn thuở dành cho doanh nghiệp
Một khảo sát của Anphabe với khoảng 60.000 người vào năm 2022 đã cho thấy có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Và stress, sự lo lắng, căng thẳng hay nói cách khác là sự không hạnh phúc lại chính là “gián điệp” đang chia rẽ sự gắn kết giữa người lao động và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa.
|
Cụ thể, sự thiếu hạnh phúc này đang tạo ra tỷ lệ nhân viên có ý định nghỉ việc tăng cao hơn tới 250% so với những người ít stress thường xuyên, cảm nhận được niềm vui công sở nhiều hơn (cũng theo khảo sát của Anphabe).
“Tôi muốn gắn bó với công ty lâu dài.” – đây là câu nói mọi nhà tuyển dụng đều muốn nghe. Nhưng nếu doanh nghiệp không tạo được hạnh phúc cho nhân sự thì sớm muộn gì cũng phải “chia tay” và câu nói đó không bao giờ có thể trở thành sự thật.
“Hạnh phúc” trở thành bài toán bắt buộc phải giải cho các nhà lãnh đạo
Vậy, làm thế nào để nhân viên hạnh phúc, khách hàng hạnh phúc? Làm thế nào để xây dựng được một doanh nghiệp hạnh phúc? Và quan trọng không kém, làm thế nào để chính các nhà lãnh đạo trở nên hạnh phúc, trở thành rường cột cho sự hạnh phúc trong doanh nghiệp?
Đó là những câu hỏi khó nhưng rất đáng để trả lời, bởi mọi cá nhân sinh ra đã có quyền và mong muốn được “mưu cầu hạnh phúc”. Từ góc nhìn của một người lãnh đạo vẫn luôn tìm cách tìm, tạo và mang hạnh phúc đến cho các doanh nghiệp trong suốt 30 năm sự nghiệp, tôi cũng mong muốn được đóng góp tiếng nói của mình về vấn đề hết sức quan trọng này.
Nhà lãnh đạo hạnh phúc
Khái niệm về nhà lãnh đạo hạnh phúc hay "giám đốc hạnh phúc" xuất hiện nhằm chỉ ra: vai trò của một giám đốc không chỉ là giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu kinh doanh, mà còn để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc và tốt đẹp cho nhân viên. Vì vậy, giám đốc hạnh phúc sẽ có 04 trách nhiệm chính sau:
Tạo ra một môi trường làm việc tích cực; Giám đốc hạnh phúc là người đảm bảo môi trường làm việc sẽ khiến nhân viên cảm thấy vui vẻ, tràn đầy động lực và sự sáng tạo.
Điều này có thể đạt được thông qua việc tạo ra một môi trường làm việc tôn trọng nhân viên, khuyến khích nhân viên giao tiếp và hợp tác với nhau, đề xuất ý tưởng mới và đóng góp vào quá trình ra quyết định.
Xây dựng đội ngũ nhân viên đầy năng lực
Giám đốc hạnh phúc sẽ tạo điều kiện cho nhân viên phát triển kỹ năng và tiềm năng của họ thông qua việc đầu tư vào đào tạo, hỗ trợ các khóa học chuyên môn và cung cấp các công cụ cần thiết cho công việc của họ. Giám đốc cũng sẽ khuyến khích sự phát triển cá nhân của nhân viên và đảm bảo rằng họ có thể tiếp tục học hỏi và phát triển kỹ năng trong tương lai.
Điều hành công việc hiệu quả
Giám đốc hạnh phúc sẽ quản lý công việc một cách hiệu quả, tối ưu hóa tài nguyên và giúp đội ngũ hoạt động tốt hơn. Điều này có thể đạt được thông qua việc sử dụng công nghệ để tăng cường hiệu suất làm việc, cung cấp các công cụ phù hợp cho nhân viên giúp họ làm việc tốt hơn, đảm bảo quy trình làm việc được thực hiện một cách hiệu quả.
Đảm bảo sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc
Giám đốc hạnh phúc sẽ đảm bảo nhân viên có thể đạt được sự cân bằng giữa công việc, sức khỏe, gia đình và trách nhiệm xã hội.
Hệ điều hành hạnh phúc
Trong doanh nghiệp, nhà lãnh đạo hạnh phúc luôn đi song hành với một hệ điều hành hạnh phúc với hai phần: phần cứng và phần mềm.
Phần cứng: bao gồm các trang thiết bị, công cụ, văn phòng… thể hiện sự quan tâm đến tinh thần của nhân viên trong từng thời điểm nhất định.
Ví dụ, vào những thời điểm nhân viên cần được bồi đắp động lực, tinh thần chiến đấu thì màu sắc bài trí trong văn phòng sẽ được chuyển thành màu đỏ, nhà lãnh đạo tạo ra những lời nói chào hỏi, những câu khẩu hiệu, ngôn ngữ cơ thể thể hiện sự quyết liệt, đẩy sự quyết tâm của những người thực thi lên cao.
Phần mềm: Lãnh đạo và nhân viên giao tiếp với nhau dựa trên nền tảng cảm xúc, thời điểm nào - KPIs đó để trợ lực cho ý chí chiến đấu của nhân viên, để họ cảm thấy xứng đáng và bung hết sức mình. Nhà lãnh đạo có thể áp dụng 6 yếu tố trong mô hình M.A.G.I.C.S để đạt được mục tiêu của phần mềm trong hệ điều hành hạnh phúc.
+Meaning - ý nghĩa trong công việc: Nếu biết được những nỗ lực của mình đang góp phần tạo nên sứ mệnh công ty, sự thay đổi tích cực cho xã hội… thì chắc chắn nhân viên sẽ có thể đạp bằng mọi áp lực và cảm thấy hạnh phúc trong công việc.
+Autonomy – tự chủ: Được làm chủ các quyết định liên quan đến bản thân cũng là một điều khiến nhân sự hạnh phúc. Để làm được điều đó, hệ thống phải làm rõ trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ và phạm vi công việc của từng vị trí. Nhân sự phải được tham gia vào quá trình ra quyết định.
+Growth – sự phát triển: Nhân sự sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu thấy được kết quả làm việc ngày một tốt lên, được ghi nhận, tưởng thưởng và có lộ trình phát triển tương xứng với công sức và năng lực. Môi trường nào có thể tạo điều kiện và định hướng cho nhân sự phát triển một cách tốt nhất thì sẽ càng nhận được sự gắn bó lâu dài.
+Impact – sự tác động: Một người sẽ có cảm giác hạnh phúc khi biết được sự ảnh hưởng của mình đến kết quả cuối cùng của tổ chức. Việc tạo dựng văn hoá lắng nghe, phản hồi, ghi nhận các nỗ lực và thành quả của nhân sự thông qua những cuộc gặp chính thức với lãnh đạo định kỳ có thể giúp nhân sự có nhiều động lực hơn là đánh giá qua những con số trên giấy tờ.
+Connection - sự kết nối: Nếu một người thường xuyên chia sẻ hình ảnh văn phòng, đồng nghiệp… thì đó chắc chắn họ đã có sự kết nối với tổ chức và đây là nơi họ thuộc về.
+Share Value - chia sẻ giá trị: Nhân sự sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến trong một tổ chức có văn hóa chia sẻ công việc, có các đồng đội biết đồng cảm trước khó khăn và sẵn sàng hợp tác, teamwork để chinh phục mục tiêu, thách thức trong bất cứ CUỘC KHỦNG HOẢNG KẾ TIẾP nào của doanh nghiệp. Khi đó, giá trị của cá nhân và giá trị của tổ chức như hòa làm một, nhân sự sẽ cố gắng hết mình vì tập thể và tự loại bỏ được suy nghĩ tư lợi cá nhân.
Cả hai phần cứng phần mềm cộng với những nhà huấn luyện, nhà đào tạo, những nhà lãnh đạo hạnh phúc sẽ tạo nên một hệ điều hành hạnh phúc hoàn chỉnh. Đó cũng là cơ sở để thiết kế chiến lược giúp phát triển hạnh phúc bền vững cho doanh nghiệp.