Chuyển đổi số

Nâng cao kỹ năng nghề cho lao động trước sức ép từ chuyển đổi số

Thứ năm, 9/12/2021 | 10:26 GMT+7
Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp như Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo sẽ nghiêng về tự động hóa nhiều hơn. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, lực lượng lao động ứng phó và thích nghi với quá trình chuyển đổi số như thế nào là một câu hỏi không dễ trả lời. Đã có không ít lo ngại về việc chuyển đổi số tạo ra biến động trong thị trường lao động đặc biệt ở những quốc gia có năng suất lao động thấp và chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp như Việt Nam.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo quốc tế “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, xã hội: Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo việc làm và tương lai kỹ năng cho lao động Việt Nam" do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với ManpowerGroup Việt Nam tổ chức ngày 25/10.

Sức ép tự động hoá ngày càng lớn

Lực lượng lao động toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi không ngừng của thế giới việc làm, được đẩy nhanh bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và dịch COVID-19. Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, chuyển đổi số là một trong bốn xu hướng nổi bật về lao động hiện nay. Có tới 38% doanh nghiệp trên toàn cầu đang đẩy nhanh kế hoạch số hóa và tự động hóa dưới ảnh hưởng của đại dịch.

Ông Simon Matthews, Giám đốc Khu vực ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông chia sẻ: “Dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch, nhà tuyển dụng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong việc tạo ra việc làm bền vững cho người lao động. Đặc biệt, bộ phận nhân sự cần cân nhắc việc đưa yếu tố con người làm ưu tiên hàng đầu trong chiến lược điều hành doanh nghiệp.”

Tại Việt Nam, sự bùng nổ ứng dụng công nghệ số, thiết bị thông minh, robot vào sản xuất như hiện nay cũng  đang đặt ra nhiều thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam như nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo một nghiên cứu mới đây giữa ManpowerGroup Việt Nam và Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), có tới 94% doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài có định hướng rõ ràng về việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động sản xuất trong ba năm tới.

Việt Nam có thể sẽ phải chịu sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm vì nước ta có quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao.

Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lao động, xã hội: Kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo việc làm và tương lai kỹ năng cho lao động Việt Nam". (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chỉ ra rằng 46 triệu lao động Việt Nam chưa qua đào tạo sẽ đứng trước nguy cơ không có cơ hội tham gia làm những công việc có mức thu nhập cao, bị thay thế bởi lao động robot, trang thiết bị công nghệ thông minh… Bên cạnh đó, chuyển đổi kỹ thuật số đang định hình lại và chuyển đổi các kỹ năng và vai trò theo yêu cầu, trong đó làm nổi bật nhu cầu về nâng cao kỹ năng và đào tạo lại lực lượng lao động.

Số hoá để thích nghi với bình thường mới

Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, giải pháp đặt ra trong thời gian tới là tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước và ưu tiên nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu mới.

Cùng với nỗ lực chung của cả nước với công cuộc chuyển đổi số, ông Vũ Trọng Bình, Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thực hiện đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực việc làm giai đoạn 2021-2021.” Đề án tập trung vào xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về lao động việc làm; hệ thống tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường lao động; kho dữ liệu cập nhật liên tục về thị trường lao động...

Trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế xã hội, thị trường lao động sẽ cần những giải pháp toàn diện, không chỉ nâng cao chất lượng tuyển dụng mà còn cần đào tạo nguồn nhân lực thông qua phát triển kỹ năng, tăng cường tri thức cho người lao động trong tình hình mới, theo sự thay đổi của thị trường lao động.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh dự báo khi việc tiêm ngừa vaccine được triển khai trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam, thị trường lao động trong nước được kỳ vọng sẽ phục hồi từ năm 2022 trở đi.

“Tuy nhiên, đại dịch được dự báo sẽ diễn biến rất khó lường, đòi hỏi lĩnh vực lao động, việc làm phải có sự chuẩn bị kỹ hơn và phải thay đổi phần lớn cách thức vận hành hiện đại, số hóa để thích nghi với trạng thái bình thường mới,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

Ông Jonas Prising, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Điều hành, Tập đoàn ManpowerGroup chia sẻ: “Đây chính là thời điểm chúng ta tái định hình một tương lai tốt đẹp hơn cho người lao động, trang bị cho họ đầy đủ kỹ năng hơn, thế giới việc làm đa dạng hơn và hướng tới phúc lợi nhiều hơn những gì mà chúng ta có thể hình dung”.

Nguồn:TTXVN/Vietnam+