Khu vực núi Dùm - Cổng Trời có nhiều hang động, thác nước đẹp và hệ thực vật khá phong phú, đa dạng, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái. Với khí hậu trong lành, núi Dùm - Cổng Trời được nhiều người dân địa phương và khách tham quan ví như “Tam Đảo” của thành phố Tuyên Quang. Diện tích đất tự nhiên của Cổng Trời hơn 300 ha, nằm trong quần thể núi Dùm. Nơi đây có nhiều suối, thác nước, hang động đẹp như hang Bà Cún, hang Dơi, hang Ngà Voi, dốc Ông, dốc Bà..., nhiều thác nước như Đát Tư Khang, thác Cấm, thác Cổng Trời... trong đó hang Dơi là hang động đẹp nhất trong khu vực này. Trong hang có nhiều động nhỏ, có sức chứa hàng trăm người. Trước đây, khi khai thác khoáng sản tại núi Dùm - Cổng Trời, người Pháp đã mở con đường lên núi với nhiều khúc cua tay áo, đường trôn ốc qua các sườn núi. Đến nay, con đường vẫn còn nguyên và là con đường độc đạo để lên núi. Bà Nguyễn Thị Lý, xóm 15, xã Tràng Đà cho biết, núi Dùm và các hang động tại đây vẫn còn lưu giữ được nét hoang sơ.
Những ai mới vào hang lần đầu mà không có người dẫn đường thì sẽ khó tìm lối ra vì ở giữa hang có một khu có nhiều động nhỏ giống nhau, khiến người tham quan như lạc vào mê cung. Vào những ngày mưa, nước từ các khe đá chảy xuống thành dòng, có rất nhiều cua đá theo ra, người dân địa phương hay rủ nhau lên núi bắt cua.
Cùng tuyến với núi Dùm - Cổng Trời có 3 ngôi đền linh thiêng, cổ kính được xây dựng từ thế kỷ 18 là đền Mẫu Thượng, đền Cấm, đền Ghềnh Quýt. Đền Mẫu Thượng được xây dựng năm 1801, thờ công chúa Ngọc Hân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa). Đền Cấm ngự trên lưng núi Cấm, kiến trúc độc đáo thờ Mẫu Thượng Ngàn. Đây là ngôi đền linh thiêng được du khách trong cả nước biết đến. Đền Ghềnh Quýt nằm trên ghềnh đá bên dòng sông Lô, thờ thần sông, thần núi. Ba ngôi đền vừa là nơi du khách đến lễ cầu may, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp. Chị Trần Thị Duyên, xóm 16 cho biết, mấy năm gần đây đã có nhiều khách thập phương đi lễ ở đền Cấm, đền Mẫu Thượng kết hợp tham quan và thưởng ngoạn cảnh đẹp Cổng Trời. Hiện nay, chính quyền địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thành việc phục hồi, tôn tạo các ngôi đền; làm đường, bãi để xe, kiốt bán các sản phẩm phục vụ du lịch. Người dân nơi đây mong muốn một diện mạo mới sẽ đến với núi Dùm - Cổng Trời để thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.
Theo ông Trương Đức Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Tuyên Quang, thành phố có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Điểm núi Dùm và Cổng Trời là nét độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho thành phố. Nhiều ngôi đền cổ linh thiêng nổi tiếng trên địa bàn hàng năm đã thu hút hàng vạn du khách đến lễ bái, vãn cảnh. Chính vì vậy việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tâm linh là hết sức phù hợp, mở ra hướng đi mới về dịch vụ, du lịch ở thành phố Tuyên Quang, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện Thành ủy thành phố Tuyên Quang đã có kế hoạch về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố, trọng tâm là đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái núi Dùm - Cổng Trời. Xây dựng các tua, tuyến du lịch trên địa bàn thành phố theo đường bộ và đường sông. Cùng với đó là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm phục vụ du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố và trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của tỉnh.
Theo Việt Hòa (TQĐT)