Nằm trên vòng cung sông Gâm, cách thành phố Tuyên Quang về phía Bắc khoảng hơn 100km là huyện Na Hang. Nơi đây có công trình thủy điện Tuyên Quang, một công trình trọng điểm của quốc gia và là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc vùng cao Na Hang.
Đặt chân đến Na Hang, chúng tôi thực sự bị chinh phục bởi sự kì vĩ của công trình thủy điện Tuyên Quang, công trình thủy điện lớn thứ tư của đất nước, có tổng vốn đầu tư trên 7.500 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2002.
Thủy điện Tuyên Quang gồm có 3 hạng mục chính gồm: đập đá đổ bê tông bản mặt (Concrete Face Rockfill Dam) cao 92,2m đầu tiên của Việt Nam, tràn xả lũ gồm hai phần là xả mặt (4 cửa xả) và xả đáy (8 cửa xả), 3 tổ máy có tổng công suất 342 MW. Theo công suất thiết kế, mỗi năm Nhà máy thủy điện Tuyên Quang sẽ sản xuất khoảng 1 tỉ 300 triệu KWh điện cho đất nước, tức gấp khoảng 13 lần lượng điện năng cung cấp cho thành phố Tuyên Quang.
Là công trình trọng điểm quốc gia, kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2006 đến nay, ngoài nhiệm vụ cung cấp điện cho quốc gia, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang còn góp phần quan trọng trong việc trị thủy trên sông Gâm, sông Lô, cắt lũ hoàn toàn cho thành phố Tuyên Quang, góp phần chống lũ cho vùng đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội.
Ngoài ra, thủy điện Tuyên Quang còn là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết nguồn nước tưới rất lớn vào mùa khô hạn cho các tỉnh lân cận và dọc theo sông Hồng, cũng như giữ gìn an ninh, quốc phòng khu vực phía Bắc đất nước.
Để đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện và chống các hiện tượng sạt lở bên bờ sông làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con nhân dân, từ cuối tháng 12/2010, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đầu tư hơn 30 tỉ đồng xây dựng một công trình kè kiên cố dài gần 1 cây số bên phía bờ phải sông Gâm.
Kể từ ngày đi vào hoạt động, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang và hồ thủy điện Tuyên Quang còn trở thành một địa chỉ du lịch khá hấp dẫn đối với du khách khi có dịp đến thăm Na Hang. Đặc biệt, hồ thủy điện Tuyên Quang rộng mênh mông với cảnh quan hoang sơ, núi non hùng vĩ, khí hậu trong lành... đang là điểm ngắm của nhiều nhà đầu tư nhằm biến nơi đây thành một trong những địa chỉ du lịch sinh thái đặc sắc của Tuyên Quang.
Hiện nay, khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang còn là môi trường rất thích hợp để nhân dân các địa phương trong vùng phát triển mô hình nuôi một số giống cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi… góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
Bài: Thục Hiền - Ảnh: Trịnh Văn Bộ