Hai ngày nay, trên cả nước, các nguồn điện chạy bằng dầu với chi phí đắt đỏ đã được huy động. Thậm chí, các tổ máy cũ kỹ, hiệu suất thấp, chi phí sản xuất cao ở Nhà máy nhiệt điện Thủ Đức, TP.HCM hiếm khi phải dùng tới đã phải vận hành, hòa lưới điện quốc gia. Đây là những diễn biến mới nhất về căng thẳng cung ứng điện mùa hè năm nay, khi nắng nóng, hạn hán xuất hiện cùng lúc với ngành điện đã cạn kiệt nguồn điện dự phòng.
Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), một ban chỉ đạo cung ứng điện đã được thành lập, sáng họp, chiều họp để tổng hợp kịp thời tình hình. Tất cả để đối phó với nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng, mà dự báo riêng hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu hụt 1.600-4.900 MW.
Nắng nóng kỷ lục, nhu cầu điện tăng cao đột biến
Miền Bắc và miền Trung đang bước vào đợt nắng nóng được dự báo dài nhất từ đầu năm đến nay. Nền nhiệt có thể lên tới 39-40 độ, một số nơi cao hơn và khả năng kéo dài tới ngày 23-5 mới kết thúc.
Nắng nóng, khô hạn có thể còn nghiêm trọng hơn, bởi theo dự báo mới nhất, hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hè và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70%-80%. Dưới tác động của hiện tượng El Nino, hầu hết các vùng trong cả nước nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường. Nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn. Khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối.
Ngành điện đã lên các phương án đối phó với nguy cơ thiếu điện mùa nắng nóng. Ảnh: EVN
Nắng nóng tức là người dân, doanh nghiệp tiêu dùng điện cao hơn. Như hôm 6-5, dù là ngày nghỉ cuối tuần, sản xuất giảm nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay và tăng 12,34% so với cùng kỳ tháng 5-2022.
Không chỉ có nắng nóng, tình trạng hạn hán, thiếu nước cũng làm cho các hồ thủy điện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo EVN, đến ngày 11-5, đã có 11/47 hồ thủy điện lớn ở tình trạng mực nước chết hoặc gần mực nước chết; 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của quy trình vận hành liên hồ chứa.
Bộ TN&MT nhận định với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa khô năm 2023. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa khô sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Các điều kiện trên dẫn đến tình hình cấp điện mùa nắng nóng sẽ rất khó khăn. Hệ thống điện có thể phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống và lúc đó bài toán cắt điện, sa thải phụ tải sẽ phải đặt ra, như mùa hè năm 2010.
Huy động mọi giải pháp để đảm bảo cung ứng điện
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết theo dự báo, các tháng 5, 6, 7 là thời gian cao điểm của nắng nóng, phụ tải hệ thống điện có xu hướng tăng cao hơn. Lường trước tình hình, từ trung tuần tháng 4, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã phải huy động các tổ máy chạy dầu.
Nguồn điện chạy dầu hẳn là rất đắt đỏ nhưng ngành điện buộc phải huy động để giữ sức cho thủy điện cũng như các nguồn điện khác. Bởi các nguồn điện ngoài nhiệm vụ phát điện còn tham gia điều chỉnh tần số - một yếu tố kỹ thuật quan trọng liên quan sống còn tới chất lượng và an toàn hệ thống năng lượng điện quốc gia.
“Chúng tôi đã lập các kế hoạch vận hành điện theo diễn biến thời tiết, đặc biệt là với kịch bản nắng nóng cực đoan. Chúng tôi đã chuẩn bị nhiên liệu, chỉ đạo các tổ máy tăng cường công tác trực vận hành, sửa chữa lưới điện, trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, vật tư, hậu cần để xử lý các tình huống nếu có. Tập đoàn cũng chỉ đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cũng như các tổng công ty điện lực rà soát, củng cố lưới điện để đảm bảo cung ứng điện liên tục, an toàn” - ông Lâm nói.
Cùng với đó, EVN đã tổ chức làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện. Theo lãnh đạo EVN, qua các buổi làm việc, lãnh đạo các tập đoàn TKV, PVN đều có cam kết đảm bảo nguồn than thời gian tới cho cung ứng điện.
Song song với các giải pháp này, EVN đã chỉ đạo công ty mua bán điện và các đơn vị thành viên khẩn trương đàm phán, hướng dẫn các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp để hoàn thiện hồ sơ ký hợp đồng mua bán điện và triển khai mua bán điện với các dự án này. Năng lượng tái tạo dù công suất lắp đặt lớn nhưng với bản chất là tùy thuộc vào nắng gió nên công suất khả dụng không là bao. Tuy nhiên, dù không nhiều, mỗi kW điện lúc này đều quý giá…
Để tránh cắt điện, ngay bây giờ phải triệt để tiết kiệm điện
Tại cuộc họp về kế hoạch đảm bảo cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia cao điểm nắng nóng năm 2023 tuần trước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh một giải pháp là đẩy mạnh tiết kiệm điện.
Tiết kiệm điện là nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nhưng lần này, trước tình hình căng thẳng, nguy cơ thiếu điện chực chờ, tiết kiệm điện trước hết là mệnh lệnh với tất cả cán bộ, công nhân viên ngành điện.
Ở tầm Chính phủ, trong phản ứng mới nhất, Thủ tướng đã ra công điện. Ngoài nội dung chung về triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, các giải pháp cụ thể về tiết kiệm điện đã được lãnh đạo Chính phủ nêu ra.
Triển khai cụ thể, EVN đã kiến nghị các địa phương phối hợp thực hành tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện phi thương mại. Theo đó, các đơn vị hành chính sự nghiệp tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 10% so với cùng kỳ. Các trường học, bệnh viện, bệnh xá, trạm xá, khu điều dưỡng tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 5% so với cùng kỳ.
Các đơn vị chiếu sáng công cộng áp dụng các biện pháp để tiết kiệm điện năng tiêu thụ hằng tháng 50% so với cùng kỳ. Các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng và tòa nhà chung cư giảm 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời vào ban đêm…