Phóng viên (PV): Trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm năng lượng nói chung và sử dụng nguồn điện năng tiết kiệm nói riêng có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Phương Hoàng Kim: Năm 2023, hiện tượng El Nino làm cho nền nhiệt tăng cao và lượng mưa giảm. Mực nước tại nhiều hồ thủy điện trên cả nước đã ở trong tình trạng thấp hoặc dưới mực nước chết nên việc cung cấp điện trong mùa hè năm nay gặp nhiều khó khăn.
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn năng lượng, trong đó có điện năng đang trở thành vấn đề cấp bách, là giải pháp quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện, góp phần bảo đảm điện cho sinh hoạt, sản xuất. Đây cũng là giải pháp trực tiếp giảm hóa đơn tiền điện phải chi trả cho mỗi doanh nghiệp và người dân. Do đó, tiết kiệm điện cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân.
Ông Phương Hoàng Kim
|
PV: Ông đánh giá thế nào về tiềm năng tiết kiệm điện hiện nay tại nước ta, đặc biệt là tại các doanh nghiệp trọng điểm?
Ông Phương Hoàng Kim: Hiện nay, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam còn rất lớn. Từ các khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030 (VNEEP3) cho thấy, các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 30 - 35%. Mặc dù phần lớn doanh nghiệp đều nắm rõ luật, các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực thi hoặc triển khai mang tính hình thức.
Hiện cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành để tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiền điện tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng.
Nhưng để khai thác tối đa tiềm năng tiết kiệm điện thì không chỉ chú trọng đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mà cần thực hiện các giải pháp truyền thông tới tất cả cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên. Cụ thể, các cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên phải tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm mỗi năm. UBND các tỉnh, thành phố cần triển khai hiệu quả kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại địa phương đối với những cơ sở sử dụng điện từ 1 triệu kWh/năm trở lên.
PV: Bộ Công Thương đã có những giải pháp cụ thể nào để việc thực hiện tiết kiệm điện trở nên thực chất, hiệu quả?
Ông Phương Hoàng Kim: Công tác tiết kiệm điện luôn được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm cung ứng đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt của nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023- 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ, giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025... Thủ tướng chỉ đạo, tăng cường thực hiện tiết kiệm điện đồng bộ tại cơ quan, công sở, hộ gia đình, chiếu sáng công cộng, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất.
Để tiết kiệm điện đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu mùa khô năm 2023, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, khách hàng sử dụng điện, nhất là khách hàng sử dụng điện lớn để quán triệt, tăng cường công tác tiết kiệm điện. Bộ Công Thương đã phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023. Chương trình nhận được sự cam kết của 63 tỉnh, thành phố, các công ty điện lực và đặc biệt là những doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện như đã thực hiện nhiều năm qua, Bộ Công Thương kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng và thực thi những cơ chế về tài chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được với những cơ chế tài chính ưu đãi, để đầu tư vào các giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng, thay thế các dây chuyền, máy móc cũ bằng hệ thống máy móc hiện đại, hiệu quả, sử dụng công nghệ cao hơn.
Trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh việc hỗ trợ đầu tư những giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp. Thông qua các nguồn lực của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất trong việc giám sát suất tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên ngành về những giải pháp quản lý công nghệ trong tiết kiệm năng lượng, giúp doanh nghiệp có thể áp dụng các sáng kiến, giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Bộ Công Thương tiếp tục xây dựng các chính sách thúc đẩy chuyển đổi thị trường phương tiện thiết bị sử dụng năng lượng hiệu suất cao, loại bỏ trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu thông qua chương trình kiểm soát hiệu suất năng lượng đối với các phương tiện tiêu thụ năng lượng lớn trên thị trường. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các đơn vị tiêu thụ nhiều năng lượng sẽ tiếp tục được chú trọng để bảo đảm tuân thủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các quy định về tiết kiệm điện.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!