Công tác ĐTXD-ĐTPT

Thủy điện Tuyên Quang sẵn sàng cho ngày phát điện tổ máy số 1

Thứ hai, 22/5/2017 | 13:17 GMT+7
Những ngày đầu tháng 11, không khí lao động trên công trình thủy điện Tuyên Quang tưng bừng, sôi động hơn.

Từ Hà Nội, lãnh đạo TCty Sông Đà - đơn vị được Chính phủ giao làm tổng thầu (EPC) thường xuyên thay phiên cùng nhóm tư vấn giám sát lên công trình kiểm tra, đôn đốc, tham gia trực tiếp giải quyết những vướng mắc về kỹ thuật và các giải pháp thi công.

Tại gian máy chính, nơi đang tổ hợp lắp ráp cấu kiện, thiết bị lắp giá đỡ, kê kích, căn chỉnh và thử tải chiếc rotor tổ máy số 1, ông Bùi Kính Hoàng, Giám đốc ban điều hành công trình cho biết:

Đây là công việc trọng tâm số 1 và cũng là hạng mục lớn, cồng kềnh, nguy hiểm nhất nên hàng tháng liền, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia và công nhân Cty Cơ khí Lắp máy Sông Đà (đơn vị chủ công về lắp thiết bị) đã thay nhau bám hiện trường nhằm hoàn tất chu đáo việc tổ hợp, căn chỉnh rotor.

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 4/11/2007 chiếc rotor nặng 460 tấn được vận chuyển bằng 2 cầu trục 500 tấn đưa từ sàn tổ hợp cẩu đặt vào vị trí tổ máy số 1 an toàn, chính xác.

Đây là thành công lớn vừa có ý nghĩa quyết định cho tiến độ chạy máy vừa cho thấy nội lực quyết tâm của đội ngũ thợ lắp máy Sông Đà lần đầu tiên đảm nhận công tác lắp đặt thiết bị toàn bộ cho một nhà máy thủy điện lớn, công trình trọng điểm quốc gia, bảo đảm an toàn, chất lượng.

Việc lắp đặt thành công rotor tổ máy số 1 TĐ Tuyên Quang sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các bước thi công tiếp  theo, tiến đến mục tiêu hoàn tất công tác lắp đặt, thí nghiệm, hiệu chỉnh toàn bộ thiết bị tổ máy để tháng 12 tới đưa vào vận hành hoà vào lưới điện quốc gia.

Hiện tại, các lực lượng xây dựng của Cty Sông Đà 5, Sông Đà 7 và Sông Đà 8 đang tích cực hoàn thành các hạng mục như: 8 cửa van sả sâu, 4 cửa van cung Đập tràn và lắp đặt, thử tải xong 6 cửa van phía hạ lưu.

Công việc khoan phun vai trái đập chính đến cao độ 12m cùng một số điểm khác trên thành đập đang được tiến hành bởi lực lượng thợ của Cty Sông Đà 5. Cầu trục 250 tấn do chính thợ Sông Đà chế tạo, lắp ráp đã được nghiệm thu, thử tải và đưa vào sử dụng tại cửa nhận nước.

Vùng lòng hồ phía thượng lưu sông Gâm đã được tích đầy nước đến cao độ 105m đảm bảo cho việc chạy máy đồng thời thành đập phía lòng hồ được thi công bằng công nghệ mới “Bê tông đầm lăn”.

Chìm dưới độ sâu hàng 100m từ nhiều tháng nay, công trình lòng hồ đã được thử thách an toàn, vững chắc. Sẽ không lâu nữa, dòng điện từ nhà máy TĐ Tuyên Quang công suất 342 Mw công trình trọng điểm quốc gia sẽ được phát sáng.

Nguyễn Tất Lộc