Tin tức hoạt động TQHPC

Thủy điện Tuyên Quang cấp bách di dân trước ngày 30 tháng 4

Thứ năm, 9/3/2006 | 12:52 GMT+7
Cột mốc 30/4/2006 là ngày lũ tiểu mãn thượng nguồn sông Gâm đổ về cũng là ngày công trình thuỷ điện Tuyên Quang đóng cửa cống ngăn nước (cho cao trình 1, tương đương mức ngập 76m). Để đạt được tiến độ cán bộ Ban Quản lý di dân tái định cư (TĐC) đang phải làm việc rất khẩn trương.

Ông Phạm Ngọc Cường, giám đốc Ban Quản lý di dân TĐC thuỷ điện Tuyên Quang cho biết: “Toàn bộ diện tích hồ chứa nước thuỷ điện Tuyên Quang là 2.260km2, riêng tỉnh Tuyên Quang có 5 xã ngập toàn bộ và 8 xã ngập 1 phần. Tổng số dân phải di chuyển là 4064 hộ, 20.043 khẩu. Trong quá trình thực hiện từ 2003 đến nay, toàn tỉnh hiện còn 948 hộ, 4.757 khẩu chưa di chuyển, các huyện phải hoàn thành di dời số hộ nói trên trước ngày 30/4”.

Công tác di dân TĐC công trình thuỷ điện Tuyên Quang thực hiện khá tốt, đảm bảo tiến độ, thời gian, và điều kiện sinh hoạt, điều kiện sản xuất ở các khu TĐC hầu hết được đảm bảo theo đúng chính sách, chế độ đề ra. Một trong những yếu tố thuận lợi trong công tác di dân của Tuyên Quang là hoàn toàn TĐC nội tỉnh. Một số điểm TĐC như Nẻ, Tân Lập (Thanh Tương – Nà Hang), Kim Phú, Hoàng Khai (Yên Sơn), Tân Mỹ (Chiêm Hoá)... ngoài số tiền đền bù, hỗ trợ di dời giải toả, tất cả các hộ dân TĐC đều được cấp đất dựng nhà (trong khu TĐC tập trung). Mỗi nhân khẩu còn được cấp 400m2 đất ruộng 2 vụ/năm hoặc 600m2 đất 1 vụ/năm. Hệ thống cấp nước sinh hoạt là giếng khoan hoặc tự chảy. Cảnh quan môi trường cũng như hệ thống công trình vệ sinh đảm bảo đúng như thiết kế ban đầu. Theo ông Cường: Thời gian gần đây một số khu TĐC có xảy ra hiện tượng mất nước cục bộ và ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân chính là do đồng bào chưa thích nghi với cuộc sống và phương thức canh tác ở nơi ở mới (điều kiện sản xuất tập trung, đồng ruộng có lịch cấp và điều tiết lượng nước chảy vào ruộng...). Có hộ sử dụng nước sinh hoạt (từ hệ thống tự chảy) cho chảy tự do vào ruộng, ao hồ nhà mình gây mất nước cho phía cuối nguồn. Đối với công trình vệ sinh (và cả công trình chuồng trại của một số hộ chăn nuôi) đồng bào sử dụng không hợp lý. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ vừa triển khai khắc phục các sự cô, đồng thời vừa phải nâng cao năng lực điều hành, tăng cường công tác kiểm tra và tuyên truyền tới các hộ dân trong khu TĐC.

Vấn đề nhiều hộ dân TĐC quan tâm là việc vay vốn sản xuất, đặc biệt đối với các hộ chủ trương phát triển ngành nghề. Hướng đào tạo nghề được xác định nhưng vấn đề đầu vào và đầu ra cho sản phẩm phải tính toán sao cho phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế. Các Ngân hàng trên địa bàn đã chuẩn bị vay vốn ưu đãi cho các hộ dân khi hộ có nhu cầu. Ông Cường khẳng định: Một số hộ ở khu TĐC như Kim Phú, Hoàng Khai đã ổn định sản xuất và đạt năng suất 2,2 tạ thóc/sào/vụ, thừa khả năng đảm bảo đời sống và phát triển”. Hiện tại, vấn đề mà Ban quản lý di dân TĐC đang phải khẩn trương di dời nốt gần 1000 hộ dân trước thời điểm ngăn sông.

Trần Thường