Cách làm hiệu quả
Hoa Sen là một trong những HTX đầu tiên tham gia nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Qua gần 5 năm đầu tư mở rộng quy mô nuôi thả, từ chỗ chỉ có 40 lồng cá ban đầu, đến nay HTX này đã phát triển được 100 lồng, với nhiều chủng loại cá đang được thị trường ưa chuộng. Trong đó, chủ yếu vẫn là giống cá lăng nha, trê phi, chép, lăng chấm. Đây là những giống có khả năng thích nghi với điều kiện về khí hậu, nguồn nước của Nà Hang và mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với một số giống cá khác đang được nuôi trồng tại địa phương. Nhằm tạo điều kiện để HTX hoạt động có hiệu quả, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nà Hang đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT về chăn nuôi cá lồng cũng như phương pháp trong việc chăm sóc và thu hoạch để áp dụng vào điều kiện thực tế ở địa phương. Trong năm 2011, HTX Hoa Sen đã cung cấp ra thị trường gần 20 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng.
Những lồng cá lăng của anh Nguyễn Văn Việt sắp đến kỳ thu hoạch.
Anh Nguyễn Văn Việt quê Hà Nội vốn có thâm niên làm nghề nuôi cá lồng. Qua thông tin giới thiệu, anh được biết khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng nên anh đã quyết định lên đây đầu tư nuôi cá lăng theo dự án của UBND huyện. Hiện anh Việt đầu tư 14 lồng chủ yếu là giống cá lăng. Với 2.000 con, đến nay đã bước sang năm thứ 2 . Anh Việt chia sẻ, nếu nói về điều kiện môi trường ở đây thì ít nơi nào có thể tốt hơn, tỷ lệ cá sống đạt trên 80%. Làm nghề nuôi cá có nhiều khó khăn, nếu không tâm huyết và có tinh thần học hỏi thì không phải ai cũng dám mạo hiểm đầu tư. Anh Việt cho biết thêm, lồng cá thường có 2 loại kích thước 3m x 3m và 2m x 2m. Với vật liệu sẵn có như gỗ nhỏ, tre, nứa có thể đóng thành những ô lồng có thể tích như trên, phía trong được bao bọc bằng ô lưới chắc chắn. Chi phí đầu tư hiện nay vào khoảng 5 triệu đồng/lồng. Giống cá lăng có nguồn gốc từ miền Nam nên việc mua giống phải qua 1 doanh nghiệp thủy sản cung cấp với giá 15.000đ/con. Khó khăn nhất hiện nay là nguồn thức ăn cho cá. Thức ăn cho cá là các loại tôm tép nhỏ, giun đất nên giá thức ăn cho cá khá cao và cũng ít nguồn bán.
Cá lăng nuôi sau 2 năm thì có thể thu hoach. Cá có trọng lượng từ 1,8 đến 2kg/con. Theo anh Việt, với tỷ lệ cá sống là 80% thì có khoảng 1.600 con thu được sản lượng đạt khoảng 3 tấn, giá thị trường đối với cá lăng hiện nay vào khoảng 180.000/kg. Như vậy, anh Việt có thể thu về 540 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí gồm 30 triệu đồng mua cá giống, 72 triệu đồng mua thức ăn (trung bình mỗi ngày hết 100.000 đồng), 70 triệu tiền đầu tư lồng và các khoản chi khác thì anh Việt có lãi ít nhất là 300 triệu đồng.
Tiềm năng chưa khai thác
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Nà Hang, năm 2011 tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn huyện đạt trên 480 tấn, trong đó chủ yếu là khai thác tự nhiên 374,1 tấn, nuôi trồng 108,9 tấn (nuôi ao hồ nhỏ 52,7 tấn, nuôi cá lồng 56,2 tấn). Như vậy sản lượng nuôi cá khu vực lòng hồ thủy điện mới chỉ chiếm khoảng 11% tổng sản lượng, năng suất đạt 0,24 tấn/lồng.
Hiện trên địa bàn huyện có 5 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác các dịch vụ từ thủy sản với 280 lồng nuôi cá, 32 hộ với 234 lao động tham gia khai khác thủy sản. Số tàu thuyền hoạt động khai thác trên hồ là 130 chiếc. Với những số lượng như trên cho thấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản tại lòng hồ thủy điện Tuyên Quang vẫn chủ yếu là khai thác tự nhiên, còn lại là nguồn thu từ những chương trình, dụ án do UBND huyện phối hợp với các đơn vị, tổ chức khác đầu tư nuôi trồng mang tính chất mô hình thí điểm. Số hộ và lượng lao động tham gia khai thác thủy sản chưa nhiều, chưa tương xứng với những tiềm năng mà lòng hồ thủy điện mang lại.
Trong năm 2011, huyện Nà Hang đã triển khai 4 dự án phát triển thủy sản cho khu vực lòng hồ, gồm: Dự án “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá chiên và cá lăng nha trong lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang” do UBND huyện đầu tư có quy mô 7 lồng; dự án “Phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững như một sinh kế mới cho cộng đồng dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi xây dựng hồ chứa ở Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ Tây Ban Nha và Viện Nguyên cứu Thủy sản I đầu tư với kinh phí 500 triệu đồng, quy mô 32 lồng cho 24 hộ tham gia; dự án "Hỗ trợ sản xuất hàng hóa tập trung" của UBND tỉnh, quy mô 395 lồng. Ngoài các dự án trên, vừa qua huyện Nà Hang đã xây dựng đề án quy hoạch phát triển thủy sản huyện Nà Hang đến năm 2020, đang chờ phê duyệt. Có lẽ đây mới chính là chìa khóa và hướng mở cho các hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện.
Những việc cần làm
Thực tế hiện nay, việc phát triển nghề nuôi cá lồng còn tồn tại nhiều khó khăn, ngay cả trong công tác bảo vệ nguồn lợi, môi trường thủy sản. Trước hết đó là cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển thủy sản còn thiếu. Tất cả mới chỉ dừng lại ở một số mô hình hỗ trợ và tạo cơ chế thông thoáng. Muốn nghề cá phát triển thì cần có những yếu tố như phải có các trại cá, bến cá, cơ sở hậu cần thủy sản, phương tiện tuần tra. Ngay cả lực lượng cán bộ chuyên môn hiện nay quá ít nên việc triển khai các công tác quản lý, các chương trình phát triển bị hạn chế, chưa có tổ chức chuyên ngành về thủy sản. Về cơ chế quản lý thì vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, các chế tài, phân cấp quản lý dẫn đến nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị xâm hại. Đời sống người dân khu vực lòng hồ còn nhiều khó khăn là nguyên nhân dẫn đến khai thác, đánh bắt thủy sản bừa bãi.
Để nghề nuôi cá lồng khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang phát triển một cách bền vững thì yếu tố đầu tiên là phải khắc phục được những khó khăn trên và bảo vệ được môi trường. Hiện số lượng người tham gia khai thác tự do khu vực lòng hồ khá lớn, có hộ vẫn còn sử dụng các loại phương tiện hủy diệt, xâm hại đến môi trường. Các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác kiểm tra và phải có chế tài xử phạt những đối tượng vi phạm. Thực tế, nghề nuôi cá lồng là nghề mới đối với bà con vùng lòng hồ nên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân thấy được hiệu quả từ việc nuôi cá lồng. Cùng với đó là lồng ghép các chương trình hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật nuôi trồng cho bà con.
Bài, ảnh: Thanh Phúc