Du lịch phục hồi ngoạn mục năm 2024
Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sáng ngày 29/12, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết, ngành du lịch đã phục hồi ngoạn mục trong năm 2024 và là điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội. Chuyển đổi số góp phần quan trọng trong thành tựu này.
Cụ thể, trong năm 2024, Việt Nam đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,59% so với cùng kỳ năm 2023, tổng doanh thu 850.000 tỷ đồng, tăng 23,8%, khách nội địa đạt 110 triệu lượt. Nhờ chuyển đổi số, ngành du lịch chuyển hướng từ B2B sang B2C, giảm bớt lữ hành trung gian, văn phòng đại diện, do khách đặt tour ngay trên không gian số.
Thứ trưởng Hồ An Phong nhận định: “Với du lịch, chuyển đổi số là đi đầu, tất yếu và khách quan. Khi ứng dụng công nghệ số, AI, nền tảng thông minh, du lịch sẽ phát triển rất nhanh và bền vững".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong trình bày tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm 2024 và Triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ TT&TT. Ảnh: Phạm Hải
Nhờ có những chủ trương, chỉ đạo quan trọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số du lịch năm nay có nhiều khởi sắc. Các địa phương có nhiều mô hình hay và phong phú, cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch với hàm lượng công nghệ hiện đại.
Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên iOS, Android, triển khai ứng dụng 3D tái hiện không gian thành phố trên cao; Hà Nội ứng dụng công nghệ, điểm đến thông minh trên cổng thông tin du lịch; hay Đà Nẵng tích cực sử dụng thực tế ảo, VR360, thuyết minh tự động hai ngôn ngữ... Những hoạt động này giúp nâng cao trải nghiệm du lịch cho khách hàng theo hướng trực quan, sinh động.
Ngành du lịch có thể tăng trưởng hai chữ số nhờ chuyển đổi số
Năm 2024, Bộ VHTT&DL tập trung phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng đồng bộ, thống nhất nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh du lịch và nâng cao trải nghiệm của du khách.
Bộ VHTT&DL nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá Nền tảng số quốc gia Quản trị và kinh doanh du lịch; Bộ chỉ số đánh giá hiệu quả điểm đến du lịch thông minh; ban hành Tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số du lịch.
Bộ cũng đang thực hiện ba dự án: số hóa di sản, du lịch thông minh và trung tâm điều hành của Bộ. Ngoài ra, tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, nền tảng mạng xã hội, ký kết hợp tác để kết nối du lịch thông minh trên toàn thế giới.
Trong quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số, Bộ VHTT&DL luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của ngành TT&TT, địa phương, doanh nghiệp công nghệ số trên toàn quốc. Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ, sau giai đoạn đầu lúng túng, hiện nay ngành du lịch đã có giải pháp cụ thể, thống nhất, tránh manh mún, lãng phí.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong du lịch, Bộ VHTT&DL đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, phê duyệt, ban hành các Đề án Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch; Đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…
Đây là kế hoạch nhằm phát triển tổng thể cơ sở dữ liệu ngành du lịch, đặt ra mục tiêu dài hạn và ngắn hạn trong xây dựng cơ sở dữ liệu để kết nối, liên thông.
Bên cạnh các kết quả tích cực trong chuyển đổi số du lịch, toàn ngành đối mặt với một số thách thức đan xen như đòi hỏi nguồn lực lớn, chất lượng nguồn nhân lực cao, hạ tầng số chưa đồng bộ, chưa tạo nền tảng vững chắc.
Dù vậy, Thứ trưởng Hồ An Phong tin tưởng với tinh thần của Đảng, Nhà nước, điều hành của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và nguồn lực xã hội, chuyển đổi số du lịch sẽ có những chuyển biến mới. Ngành du lịch hoàn toàn đủ khả năng đạt tăng trưởng hai chữ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Với tài nguyên, con người, văn hóa Việt Nam, nền tảng du lịch phát triển kết hợp chuyển đổi số, du lịch hoàn toàn có thể theo kịp thế giới trong 7 đến 10 năm”, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL nói.